Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN, TS Nguyễn Duy Lượng
Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng cho rằng, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, để nông nghiệp phát triển bền vững, tự tin với lợi thế cạnh tranh, nông thôn giàu đẹp thì người ND phải được đào tạo nghề, chuyển nghề, nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, hiểu biết về thị trường và Nhà nước phải làm tốt vai trò kiến tạo bằng những cơ chế, chính sách thực tiễn, sát đúng.
Không thể lấy số lượng để tự hào Trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến việc “phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”. Ông hiểu như thế nào về nội dung này?- Nghị quyết 26, Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Đảng khóa X về nông nghiệp, ND, nông thôn đã khẳng định, ND là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới (NTM)… Thủ tướng khẳng định lại điều này trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đẩy mạnh xây dựng NTM.
Thực tế gần 30 năm đổi mới, nhất là sau khoán 10 (năm 1988) đến nay, vai trò chủ thể của ND thể hiện ngày càng rõ. Đất đai được giao cho từng hộ, ND tự chủ, tự hạch toán trên đồng ruộng; sức lao động, trí sáng tạo, sự cần cù của ND được phát huy mạnh mẽ. Từ một nước nghèo đói, phải nhập khẩu lương thực, thực phẩm, năm 1989 nước ta bắt đầu xuất khẩu gạo. Hơn 20 năm sau, ngoài gạo, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như cà phê, tiêu, điều, cao su, thủy sản… đứng top thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu. NDVN góp phần quan trọng đưa nông nghiệp trở thành lợi thế cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.
Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Duy Lượng thăm hỏi một ND huyện Đại Từ, Thái Nguyên.
Tại sao trong bối cảnh tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM một lần nữa chúng ta phải đặt ND vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể?- Hội nhập quốc tế ngày càng sâu, thị trường yêu cầu tiêu chuẩn ngày một khắt khe hơn. Với cách làm cũ, sức lực ND, năng suất, sản lượng nông nghiệp đã chạm tới giới hạn. Không thể lấy số lượng, sản lượng nông sản làm tự hào nữa, chúng ta phải đi theo hướng nâng cao chất lượng, thêm giá trị gia tăng, đáp ứng thị hiếu, tiêu chuẩn của thị trường khu vực và thế giới. Khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động đến Việt Nam và bộc lộ rõ những yếu kém, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Đó là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, nông sản xuất thô, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp, chất lượng chưa cao nên sức cạnh tranh yếu. Nông thôn đã khởi sắc, nhưng vẫn là địa bàn còn nhiều khó khăn và đang đối mặt với nhiều thách thức về nghèo đói; dân trí thấp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiếu và yếu, ô nhiễm môi trường… Tới 85% hộ nghèo hiện ở nông thôn, nhưng tăng trưởng kinh tế-động lực cho giảm nghèo những năm gần đây giảm sút. ND với trình độ, kỹ năng áp dụng khoa học kỹ thuật còn thấp…
Đó là lý do để chúng ta phải tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh xây dựng NTM. Và ND phải ở vị trí trung tâm với vai trò chủ thể bởi chính họ là người góp phần quyết định sự thành công của tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM dưới tác động kiến tạo chính sách của Nhà nước…
Liên kết, ND mới có thực quyềnTrong bối cảnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM, sự kiến tạo cơ chế, chính sách của Nhà nước tác động thế nào đến vị thế, vai trò của ND, thưa ông?
Nông dân phải ở vị trí trung tâm với vai trò chủ thể, bởi chính họ là người góp phần quyết định sự thành công của tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM dưới tác động kiến tạo chính sách của Nhà nước”. Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN, TS Nguyễn Duy Lượng
|
-Vị thế ở đây cần phải hiểu cả về vị thế chính trị và kinh tế. Sự kiến tạo cơ chế, chính sách của Nhà nước phải tạo ra động lực để mỗi người dân, cộng đồng phát huy được trí tuệ, sức sáng tạo và tinh thần tự chủ.
Dân chủ cơ sở phải được thực hiện tốt hơn với phương châm mọi việc ở dưới dân đều do dân bàn, thảo luận, quyết định, tự giám sát, kiểm tra. Không chỉ bầu ra trưởng thôn mà cần thiết tiến tới để người dân trực tiếp bầu ra lãnh đạo chính quyền cấp xã, phường, thậm chí ở cấp cao hơn...
Sự kiến tạo cơ chế, chính sách của Nhà nước còn phải tạo nên vị thế của ND về kinh tế. Đổi mới trong nông nghiệp đã phát huy được thế mạnh của kinh tế hộ và hiện kinh tế hộ vẫn là phổ biến trong nông nghiệp, nông thôn. Nhưng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, kinh tế hộ bộc lộ không ít yếu kém. Trong tái cơ cấu nông nghiệp, sự kiến tạo chính sách của Nhà nước cần tạo môi trường tốt hình thành nên các hình thức liên kết sản xuất, để ND tổ chức lại sản xuất.
Có liên kết, ND mới có thực quyền trong đàm phán trong chuỗi giá trị nông sản. Nhiều người cho rằng ở Việt Nam chưa có ngành, hàng nông nghiệp nào tạo được chuỗi giá trị mà trong đó vị thế, vai trò của ND được thể hiện rõ, lợi ích của ND được đảm bảo. Các mô hình HTX kiểu mới, ND góp cổ phần vào doanh nghiệp... chỉ mới đơn lẻ mà chưa rõ xu hướng.
Thưa ông, nhiều ý kiến lo ngại rằng, tái cơ cấu nông nghiệp rất khó thực hiện với tình hình dân số nông thôn đông, lực lượng lao động lớn, đất đai canh tác lại có hạn?
- Tái cơ cấu nông nghiệp phải hướng đến sản xuất lớn có chất lượng an toàn thực phẩm. Để sản xuất lớn ND phải được đào tạo, dạy nghề, thông tin thị trường, tiếp cận và sử dụng thuận lợi các nguồn lực như đất đai, vốn, KHCN… Dân số nông thôn đông, lực lượng lao động lớn nhưng đất đai canh tác ít- đó là một trong những thách thức của tái cơ cấu nông nghiệp. Để giải quyết được thách thức này, cần đặt tái cơ cấu nông nghiệp trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa công nghiệp hóa, đô thị hóa với phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM…
Không thể cứ khi nền kinh tế gặp cú sốc thì nông nghiệp, ND lại là trụ đỡ. Còn khi khó khăn qua thì hình ảnh người ND lại bị lu mờ. Tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VI, nhiệm kỳ 2013-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt tinh thần “kiên quyết chống tư tưởng xa rời nông thôn, coi thường nông nghiệp, xem nhẹ vai trò nông dân”…
Vậy Hội NDVN có giải pháp nào để tiếp tục nâng cao vị thế trung tâm, vai trò chủ thể của ND trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM, thưa ông?- Trong bối cảnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM, Hội NDVN tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động theo hướng tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề cho ND; tham gia xây dựng, đề xuất chính sách cho ND; tham gia hướng dẫn, hỗ trợ ND xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, tổ chức lại sản xuất, tạo cầu nối giữa ND với doanh nghiệp; tổ chức thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị-xã hội, qua đó thực hiện tốt chức năng đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của ND.
Đồng thời, Hội tiếp tục thực hiện Kết luận 61 (KL61) của Ban Bí thư; Quyết định 673 (QĐ 673) của Thủ tướng Chính phủ. Thông qua thực hiện KL 61 và QĐ 673 tạo thêm nguồn lực hỗ trợ ND, coi đây là một trong những công cụ, phương tiện hiệu quả để Hội đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động theo hướng bám sát thực tiễn sản xuất nông nghiệp, nhu cầu và nguyện vọng của ND…
Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!