Đặc biệt các nghệ nhân đều có năng khiếu, chất giọng và tâm huyết. Ngoài nhiệm vụ bảo tồn, phục chế nét văn hóa truyền thống, sự ra đời của CLB giúp những người yêu thích các làn điệu dân ca, bài chòi có điều kiện trau dồi, phát huy tiềm năng ca hát, phục vụ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, nhất là trong các lễ hội đình làng của các địa phương, ngành du lịch...
Phát phần thưởng cho những người tới cờ.
Chúng tôi rất ấn tượng khi chơi mấy ván bài chòi đầu xuân nhân dịp Lễ hội đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong) vào sáng ngày mùng 9 tháng Giêng với nhiều màu sắc truyền thống quê hương như lồng đèn, cờ màu và cả những y phục đẹp mắt của các thành viên.
Ông Đỗ Hữu Quế - Chủ nhiệm CLB cho biết: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”- dòng sông Yên chảy qua địa phận các xã Hòa Khương, Hòa Phong và Hòa Tiến giống như những giai điệu mượt mà, sâu lắng của thể loại bài chòi. Đặc biệt, cây cầu Sông Yên mới được đưa vào sử dụng đã mang lại niềm vui cho các thành viên trong CLB và bà con địa phương. Vì vậy mọi người quyết định lấy tên Sông Yên để đặt tên cho CLB bài chòi”.
Theo ông Nguyễn Thúc Dũng - Trưởng phòng VHTT huyện Hòa Vang, trước đây, vì nhiều lý do, đặc biệt là cơ sở vật chất khiến những người say mê ca hát thể loại bài chòi không có điều kiện phát huy năng khiếu, sở trường của mình. Qua tìm hiểu, phòng đã phát hiện nhiều nghệ nhân ở địa phương từng có một thời gian công tác tại Ban Văn nghệ Hội An (Quảng Nam), rất am hiểu, dày dạn kinh nghiệm và lòng nhiệt huyết với bài chòi.
Được lãnh đạo huyện ủng hộ, phòng đã tạo điều kiện về cơ sở vật chất ban đầu cho CLB hoạt động... Hy vọng với lòng say mê ca hát và nhu cầu thưởng thức thể loại nghệ thuật dân gian của người dân địa phương, CLB Bài chòi Sông Yên không chỉ là điểm sáng, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, giúp giới trẻ cảm nhận được giá trị đích thực của di sản văn hóa phi vật thể này.