Dân Việt

Lính cứu hỏa đứt ruột, vỡ bàng quang vì lao vào dập lửa

05/06/2013 10:25 GMT+7
Cột bê tông quái ác đã khiến Thuấn bị vỡ xương chậu, đứt ruột và vỡ bàng quang. Đến cả gia đình, người thân và lãnh đạo, anh em trong đơn vị đều nghĩ Thuấn khó thể qua khỏi.

Cột bê tông quái ác đã khiến Thuấn bị vỡ xương chậu, đứt ruột và vỡ bàng quang. Đến cả gia đình, người thân và lãnh đạo, anh em trong đơn vị đều nghĩ Thuấn khó thể qua khỏi.

Ám ảnh những xác chết cháy

Nghề phòng cháy chữa cháy rất nguy hiểm, căng thẳng và nặng nhọc. Khi người dân đã kịp thời chạy thoát ra ngoài thì lực lượng cứu hộ lại phải lao vào chiến đấu với “giặc lửa”. Có những đồng chí đã bị thương, thậm chí hy sinh để bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân.

Một trong những tấm gương điển hình của Cảnh sát PCCC Hà Nội là Thượng sĩ Nguyễn Quang Thuấn (SN 1990, trú tại Tiên Tảo, Việt Long, Sóc Sơn, Hà Nội), hiện đang công tác tại Phòng Cảnh sát PC&CC Bắc Thăng Long.

img
Lính cứu hỏa Nguyễn Quang Thuấn.

Năm 2008, được sự động viên của gia đình và người thân, Nguyễn Quang Thuấn đi nghĩa vụ trong ngành Cảnh sát PCCC ở Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Tháng 1.2009, Thuấn được chuyển về tiếp tục học tập và công tác ở Phòng Cảnh sát PC&CC Bắc Thăng Long.

Chân ướt chân ráo bước vào nghề, thời gian đầu nghe các bác, các anh kể chuyện đi chữa cháy bị thương, gặp những người chết cháy khiến Thuấn có phần nào sợ hãi.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với Thuấn khi mới bước vào nghề là đợt chữa cháy tại quán Sân khấu Ca nhạc "Điểm hẹn đêm Tây Hồ" số 614 Lạc Long Quân (Phường Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội), ngay trước cổng Công viên nước Hồ Tây sáng 4.1.2010.

Nhận được tin báo, Phòng CS PCCC Bắc Thăng Long liền điều 4 xe cứu hỏa cùng cán bộ chiến sĩ tới chữa cháy.

Khi xe cứu hỏa đến nơi thì sân khấu ca nhạc rộng gần 600m2 đã bị thiêu rụi hoàn toàn, chỉ còn lại một đống đổ nát. Sau khi nghe người dân tại hiện trường báo cáo bên trong không còn người, lực lượng cứu hỏa trong Phòng CS PC&CC Bắc Thăng Long nhanh chóng triển khai các mũi tấn công “giặc lửa”.

“Sau khi khống chế được ngọn lửa hung tàn, anh em thu dọn đồ đạc ra về. Cán bộ đến kiểm tra hiện trường thì phát hiện một xác người đã cháy thành tro. Sau đó, Sở lại điều một xe của Phòng CS PCCC Bắc Thăng Long đến để dập tàn lửa. Đến nơi, tôi giật thót mình khi biết vị trí có nạn nhân chết cháy là nơi mình từng đứng chữa cháy trước đó” – Thuấn vừa kể vừa lau mồ hôi. Từ sau hôm đấy, mỗi lúc nằm ngủ nghĩ lại, Thuấn lại bị ám ảnh.

Lần cứu hỏa định mệnh

Trong quãng thời gian làm việc, một tai nạn đã xảy ra khiến người lính trẻ Nguyễn Quang Thuấn suốt đời không thể quên. Ấy là vào rạng sáng 23 tháng Chạp tết 2010 (tức 27.1.2011).

Khoảng 4h30 sáng, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ ngon, bất chợt còi báo động trong cơ quan vang lên. Chỉ huy triệu tập ngay lực lượng, thông báo về vụ cháy xảy ra ở chùa Linh Sơn (chùa Tảo Sách, địa chỉ 386 Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, Tây Hồ).

Phòng liền cử hai xe cứu hỏa cấp tốc đến hiện trường. Khi tới nơi, toàn bộ tòa Tam Bảo của chùa đang bốc cháy dữ dội. Gió thổi mạnh càng khiến cho lửa lan nhanh. Tiếp đó, Phòng phải huy động thêm 2 xe cứu hỏa đến, cùng với 1 xe téc nước và 2 máy bơm của Công ty môi trường đô thị Hà Nội cùng cán bộ chiến sĩ tổ chức dập tắt đám cháy.

img
Mỗi lần cứu hỏa là một lần đối đầu với hiểm nguy đến tính mạng.

Trong chùa chủ yếu là sách, đã bị lửa thiêu rụi. Do vậy công việc chính của lực lượng là phải chống cháy lan, chữa cháy ở chính diện ngôi chùa. “Sau khi ngọn lửa được khống chế hoàn toàn, tôi cùng hai chiến sĩ Đỗ Mạnh Đức (SN 1987) và Nguyễn Tuấn Anh (SN 1990) được lệnh đi vào dập than, gạn tàn tro. Sau khi cào hết than ra, chỉ huy lệnh rút lui. Cả ba vừa quay mặt ra thì bất ngờ có tiếng đổ rầm. Một trụ bê tông đã đè hẳn lên cả ba người, bất tỉnh” – Thuấn nhớ lại.

“Lúc tôi tỉnh dậy đã thấy mình nằm trên giường bệnh, dây ống nối đầy trên người. Lúc đó tôi vẫn chưa thể nhớ chuyện gì đã xảy ra. Nghe mọi người kể mới biết cả trụ bê tông đè lên người. Sau đó, Sở điều xe cứu thương đến đưa ba anh em vào viện E sơ cứu. Do vết thương nặng nên tôi được chuyển sang BV Việt Đức điều trị khoảng 10 ngày, sau chuyển sang viện 19-8 điều trị khoảng 2 tháng” – Thuấn kể tiếp.

Cột bê tông quái ác đã khiến Thuấn bị vỡ xương chậu, đứt ruột và vỡ bàng quang. Đến cả gia đình, người thân và lãnh đạo, anh em trong đơn vị đều nghĩ Thuấn khó thể qua khỏi.

“Bác sĩ trực tiếp mổ đã thông báo với gia đình rằng nếu mổ từng bộ phận một thì sẽ rất lâu. Do vậy phải mổ cùng lúc, nhưng tỷ lệ an toàn rất thấp, nếu rủi ro thì gia đình phải chấp nhận. Lo lắng cho tính mạng của mình, gia đình và Ban lãnh đạo đã hội ý gấp và quyết định mổ. Suốt từ 21h hôm đó cho tới 8h hôm sau ca mổ mới kết thúc. Mọi người vỡ òa trong hạnh phúc khi biết mình đã qua cơn nguy kịch” – Thuấn xúc động nhớ lại.

Theo Infonet

Hoan nghênh Bạn đọc đóng góp, hiến kế cải tiến Dân Việt