Dân Việt

Nguy cơ biến chứng vì bệnh đau mắt đỏ

28/03/2011 06:34 GMT+7
(Dân Việt) - Hiện dịch đau mắt đỏ đang bùng phát mạnh trong cộng đồng nhưng nhiều người vẫn chủ quan, cho rằng bệnh tự khỏi, đã dẫn đến những biến chứng khó lường.

Bùng phát dịch đau mắt đỏ

img

Khám mắt tại Bệnh viện Mắt T.Ư.

Dịch đau mắt đỏ thường xảy ra vào tháng 4-7 hàng năm. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh này đến sớm hơn. Hiện nay, trung bình mỗi ngày khoa Khám bệnh (Bệnh viện Mắt T.Ư) tiếp nhận 60-100 bệnh nhân, trong đó 30% bị đau mắt đỏ.

Bệnh đau mắt đỏ lây lan nhanh, chỉ một thời gian ngắn sẽ trở thành dịch, bùng phát mạnh trong cộng đồng. Bệnh có thể lây lan nhanh chỉ qua tiếp xúc trực tiếp như bắt tay, quan hệ tình dục, hoặc tiếp xúc với những vật đã bị nhiễm mầm bệnh, hay qua đường hô hấp.

Đầu tiên bệnh xuất hiện ở một mắt với hiện tượng đỏ mắt, ra rỉ nhiều, cảm giác có sạn hay cát ở trong mắt, nhưng không ảnh hưởng đến thị lực. Sau 3 - 5 ngày sẽ lây lan sang mắt thứ hai với triệu chứng tương tự. Khi ấy kết mạc sẽ bị phù nề, cương máu đỏ rực và có hột trong mắt .

Việc khỏi bệnh chủ yếu phụ thuộc vào khả năng miễn dịch của cơ thể, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh bản thân. Tuy nhiên, người bệnh không được tự ý điều trị, khi thấy có biểu hiện của bệnh cần đến thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn cách điều trị. Bệnh nhân cũng có thể sử dụng nước muối sinh lý để rửa mắt và tra thuốc kháng sinh loại nhẹ để phòng bội nhiễm.

Cẩn trọng với viêm kết mạc - họng - hạch

Thân nhân người bệnh không dùng chung đồ vật với bệnh nhân, tránh tiếp xúc với bệnh nhân, không nói chuyện đối diện và trực tiếp với người bệnh. Đồng thời áp dụng biện pháp vệ sinh như: Rửa mắt bằng nước muối hàng ngày, rửa tay bằng xà phòng tiệt trùng khi bắt buộc phải chăm sóc hay tiếp xúc với bệnh nhân.

Bệnh đau mắt đỏ nếu gặp phải virus adenovirut có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Bệnh có sự liên kết của nhiều bộ phận như viêm kết mạc ở mắt, đau họng và lên hạch ở gáy phía dưới hai tai nên được gọi là viêm kết mạc - họng - hạch. Rất nhiều người nhầm lẫn với bệnh viêm kết mạc thông thường, nên khi thấy mắt đỏ chỉ nghĩ bị đau mắt hoặc thấy khan giọng thì nghĩ đau họng.

Đối với bệnh này, người bị bệnh có thể thấy xuất hiện một số triệu chứng như toàn thân sốt nhẹ, viêm mũi - họng, nổi hạch trước tai. Thông thường khi bị viêm kết mạc -họng -hạch thì virus có thể tấn công cùng lúc ở cả mắt, họng và làm nổi hạch.

Người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu, chảy nước ở mắt, sợ ánh sáng, mỗi khi nuốt nước bọt họng lại đau và nổi hạch luôn. Đồng thời vành mi trên, đặc biệt là mi dưới xuất hiện nhiều hột to mọc thành dãy, xuất hiện nhanh và thoái hoá phát triển nhanh trong vòng 6 ngày không để lại sẹo.

Đôi khi bệnh này còn tấn công làm ảnh hưởng đến đường tiết niệu gây tiểu rắt, buốt. Khác với đau mắt đỏ thông thường, bệnh này thường lây nhiễm chủ yếu qua đường hô hấp như ho, hắt hơi vì vậy người bệnh cũng cần phải đeo khẩu trang tránh lây nhiễm cho người khác.

Thường bệnh chỉ diễn ra từ 5-7 ngày, nhưng sau một thời gian nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi… Do đó, khi thấy có triệu chứng bệnh cùng lúc ở mắt, họng và nổi hạch cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa về mắt và họng để khám và có cách điều trị kịp thời.

Những trường hợp bị viêm kết mạc - họng - hạch mà sốt cao không hạ được nhiệt, co giật, mệt nhiều không ăn uống được phải vào nhập viện để theo dõi và truyền dịch, tránh trường hợp tăng nhãn áp có thể gây mù loà.