Dân Việt

Thủy sản Bình Định: Tổ chức lại sản xuất để giảm chi phí

28/03/2011 07:17 GMT+7
(Dân Việt) - Gần đây, nhiều tàu đánh bắt xa bờ phải hạn chế ra khơi vì giá xăng dầu tăng cao.

Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định, hiện toàn tỉnh có 8.125 tàu cá các loại, trong đó 4.955 tàu đánh bắt, khai thác thủy sản tại các ngư trường trong tỉnh, 3.170 tàu đánh bắt ở các ngư trường Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang... Gần đây, nhiều tàu đánh bắt xa bờ phải hạn chế ra khơi vì giá xăng dầu tăng cao.

img

Thu mua, chế biến cá ngừ đại dương tại cảng cá Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn).

Cảng cá Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), nơi có đội tàu khai thác cá ngừ đại dương lớn nhất tỉnh hiện có nhiều tàu phải nằm bờ. Anh Võ Văn Thành-cán bộ Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hoài Nhơn, cho biết: “Trung bình mỗi chuyến biển của tàu đánh bắt xa bờ cần hơn 1.000 lít dầu. Từ khi giá dầu tăng, chi phí tăng thêm hơn 30 triệu đồng/chuyến biển, trong khi đó, giá cá ngừ đại dương từ Tết Nguyên đán tới nay vẫn ổn định”.

Anh Trương Văn Cường ở thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), chủ tàu BĐ 95721 TS lo lắng: “Với giá bán cá ngừ đại dương dao động từ 130 - 140 nghìn đồng/kg hiện nay, nếu một chuyến biển chỉ đánh bắt được 1 tấn cá thì chỉ đủ bù tổn phí, cả chủ tàu và người đi biểu đều không có thu nhập”.

Ông Đào Duy Hội- Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), cho biết thêm: “Xã hiện có gần 450 chiếc tàu đánh bắt xa bờ chủ yếu là bắt cá ngừ đại dương. Chuyến ra khơi đầu năm hiện hơn 200 tàu đã cập bờ. Bán cá xong chẳng mấy tàu dám ra khơi ngay bởi giá dầu tăng cao quá”.

Theo các chủ tàu, 80- 90% chi phí đi biển là nhiên liệu. Tiền dầu cho mỗi chuyến đi biển sau đợt tăng giá xăng dầu vừa qua đã làm tăng thêm từ 10-30 triệu đồng/tàu.

Không chỉ ngư dân đánh bắt xa bờ mà ngư dân đánh bắt gần bờ cũng lao đao. Ông Võ Hoàng Vũ - chủ tàu đánh cá BĐ 10914 TS ở khu Bắc sông Hà Thanh, TP.Quy Nhơn, cho biết: “Với giá dầu hiện nay, mỗi chuyến đi biển khoảng 8-10 ngày, chúng tôi phải mất thêm 10 triệu đồng mua nhiên liệu. Đó là chưa kể giá đá, lương thực cũng đang rục rịch tăng”.

Ông Nguyễn Hữu Hào - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định cho biết, ngành đang hướng dẫn ngư dân khai thác thủy sản tiết kiệm nhiên liệu; hướng dẫn cách bảo quản sản phẩm sau khi đánh bắt; đàm phán với các công ty chế biến hải sản đầu tư tổn phí và bao tiêu sản phẩm; khuyến cáo ngư dân hạn chế đóng mới các tàu đánh bắt công suất nhỏ, khai thác thủy sản ven bờ.

Với những tàu đánh bắt xa bờ, vận động ngư dân thành lập các tổ, nhóm khai thác, đánh bắt trên biển (mỗi nhóm từ 5-7 tàu) để thông tin luồng cá, đánh bắt xong tập trung lại một tàu mang cá về; tập huấn bảo quản sau thu hoạch cho ngư dân, nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác, tổ chức lại các điểm thu mua, tiêu thụ hải sản…

“Song, về lâu dài, Nhà nước cần có chính sách hỗ để ngư dân yên tâm bám biển”- ông Hào kiến nghị.