Buổi tọa đàm do T.Ư Hội NDVN, Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ VN, Công ty CP Dịch vụ thông tin Khoa học Công nghệ (Agbiotech VN) phối hợp tổ chức với sự tham dự của các nhà khoa học lĩnh vực công nghệ sinh học; cán bộ các ban, đơn vị, Trung tâm thuộc T.Ư Hội NDVN, Hội ND Hà Nội...
PGS-TS Lê Huy Hàm (đứng) trình bày tổng quan về cây trồng công nghệ sinh học tại buổi tọa đàm.
Tham luận tại tọa đàm, PGS-TS Lê Huy Hàm- Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NNPTNT) đã chỉ ra những cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng, phát triển công nghệ sinh học, cây trồng biến đổi gien tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đã sử dụng nông sản nguyên liệu biến đổi gien (nhiều nhất là đỗ tương và ngô), nhưng việc trồng cây trồng biến đổi gien vẫn đang trong quá trình khảo nghiệm với ngô biến đổi gien. “Các nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ về cây trồng biến đổi gien cho thấy đã mang lại nhiều lợi ích to lớn như tăng năng suất, thu nhập cho ND; đảm bảo đa dạng sinh học; thích ứng với điều kiện diện tích đất canh tác giảm, biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng… Cây trồng công nghệ sinh học phát triển rất nhanh. Hiện thế giới đã có 34 quốc qua nghiên cứu, ứng dụng với hơn 350 loại cây trồng biến đổi gien.
Theo các đại biểu tham dự tọa đàm, cây trồng công nghệ sinh học, cây trồng biến đổi gien còn quá mới lạ đối với ND Việt Nam. Vì vậy, bên cạnh việc thiết lập và hoàn thiện hệ thống pháp lý, Nhà nước, các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cây trồng công nghệ sinh học, cây trồng biến đổi gien cho ND. ND cần được giải thích, thông tin đầy đủ về lĩnh vực này. Bởi xét cho cùng, ND chính là người cuối cùng chấp nhận hoặc không chấp nhận cây trồng biến đổi gien…