Dân Việt

Ông Mười Phú trồng lúa sạch

29/03/2011 11:07 GMT+7
(Dân Việt) - Vụ đông - xuân 2009-2010, ông Mười Phú (Nguyễn Văn Phú), ở ấp An Hòa, xã An Nhứt, huyện Long Điền, Bà Rịa- Vũng Tàu đã bán được những bao lúa sạch đầu tiên đúng với giá trị của nó.

Chi phí thấp, lợi nhuận cao

img

Ông Mười Phú giới thiệu về ruộng lúa sạch của mình.

Đeo đuổi ý tưởng trồng lúa sạch từ nhiều năm nay, nhưng đến vụ đông - xuân 2009-2010, ông Mười Phú (Nguyễn Văn Phú), ở ấp An Hòa, xã An Nhứt, huyện Long Điền, Bà Rịa- Vũng Tàu mới bán được những bao lúa sạch đầu tiên đúng với giá trị của nó.

Bán được 3 tấn gạo VN20 và VND 95-20 với giá 11.000 đồng/kg, cao hơn 10% so với giá thị trường, ông Mười Phú mừng hết cỡ. Ai cũng khen lúa của ông hạt nào cũng chắc, chà ra không bị gãy, 20kg lúa cầm chắc thu được 12-14kg gạo.

img 37 năm mần ruộng, lần đầu tiên tui mới được mở mặt, mở mày vì có người biết đánh giá đúng sản phẩm do mình làm ra. img

Năm 2006, được huyện hỗ trợ chiếc máy sạ hàng, ông Mười Phú bắt đầu thực hiện quy trình sạ thưa theo hướng dẫn của Trung tâm khuyến nông. Cây lúa cũng như con người, nhà đông con sẽ thiếu ăn. Một mẹ, một con không những mẹ khỏe mà con cũng khỏe mạnh. Làm theo cách nghĩ đó, ngay vụ đầu tiên ông đã trúng lớn.

Bông lúa dài, hạt chắc, tỷ lệ hạt lép ít, lại đỡ tốn chi phí giống, thuốc trừ sâu nhờ ít sâu bệnh. Có thời kỳ lúa trổ đòng, trong khi bà con xung quanh chạy đôn, chạy đáo tìm thuốc diệt sâu rầy, ruộng lúa của ông vẫn xanh tốt.

"Nói vậy chứ làm lúa sạch cũng không dễ đâu, ngày nào tui cũng xuống ruộng quan sát lúa, về nhà mở mạng Internet tìm hiểu từng loại bệnh, bây giờ chỉ cần nhìn màu lúa là biết lúa bị bệnh gì, cần bón thêm phân gì" - ông Mười tâm sự.

Hiệu quả đã thấy, nhưng ông Mười Phú vẫn trăn trở: "Mình đã hạn chế được thuốc trừ sâu, tại sao lại không hạn chế được phân hóa học. Mấy chục năm qua bà con cứ cấy đều đều 3 vụ lúa/năm, "bóc lột" hết chất dinh dưỡng của đất, mà không tìm cách bổ sung lại. Tôi quyết định từ giã phân hóa học, thay bằng phân hữu cơ để bổ sung dinh dưỡng cho lúa. Nhưng tưởng phân hữu cơ vô hại mà bón không đúng nguyên tắc là sai lầm. Phải bón đúng định kỳ, đúng liều lượng, tuyệt đối không để phân dư thừa, vừa lãng phí, vừa mời gọi ong bướm gây hại".

Xây dựng thương hiệu

img Vụ mùa này, tui vận động bà con làm theo tui, bảo đảm năng suất thấp nhất là 4 tấn/ha. img

Người dám trả đúng giá cho những bao lúa của ông Mười Phú là chị Hoàng Thị Thanh Dung - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Dung - đầu mối cung ứng gạo lớn nhất nhì ở TP. Vũng Tàu. Một lần tình cờ đi dự khai trương Nhà máy Xay lúa ở xã An Nhứt (huyện Long Điền), chị Hoàng Dung nghe bà con thắc mắc "không biết ông Mười Phú làm ruộng kiểu gì mà không cần nhiều phân thuốc, lúa chà ra lại "được gạo" hơn lúa của mình". Ý tưởng xây dựng vùng nguyên liệu gạo an toàn cung ứng cho người tiêu dùng nhen nhóm trong chị.

Biết được thiện ý của chị Dung, ông Mười Phú đồng ý cho đưa mẫu gạo đi xét nghiệm ngay. Thật bất ngờ, mẫu gạo của ông vượt một số tiêu chuẩn về gạo an toàn. Chị Dung mua hết 3 tấn gạo vụ đông xuân năm 2009 của ông Mười Phú cao hơn 10% giá thị trường lúc đó. Mặc dù chưa được công nhận thương hiệu, nhưng chị vẫn đóng số gạo này thành từng bao 5kg, 10kg và ghi rõ gạo sạch Mười Phú để làm quen với người tiêu dùng.

Không ngờ trong vòng nửa tháng, Công ty Hoàng Dung đã bán hết 3 tấn gạo sạch Mười Phú, nhiều người hỏi mua thêm nhưng không có. Vụ mùa này, được chị Dung động viên, ông Mười Phú và bà con sạ 6ha lúa sạch. "Thời tiết vụ này bất lợi, năng suất sẽ không bằng vụ trước" - ông Mười cho biết.

Trên đường xuống thăm ruộng lúa ông Mười Phú về, chị Dung "bật mí" sẽ hỗ trợ xây dựng thương hiệu gạo sạch Mười Phú.

"Muốn có thương hiệu mình phải bảo đảm ổn định về chất lượng, sản lượng và quy trình sản xuất. Bằng cách bao tiêu đầu ra với giá cả hợp lý, tôi sẽ vận động bà con ấp An Hòa sản xuất lúa theo quy trình của bác Mười Phú và kiểm nghiệm chất lượng từng vụ. Nếu ổn định trong 2-3 năm, Công ty sẽ giúp bác Mười Phú tiến hành các thủ tục đăng ký thương hiệu cho sản phẩm, khi đó tôi sẽ mở rộng vùng nguyên liệu gạo sạch ít nhất 30ha. Đó là tâm nguyện của tôi suốt mười mấy năm gắn bó với thị trường gạo Việt Nam"- chị Dung chia sẻ.