Năm 1997, Công ty TNHH Lam Sơn (Công ty Lam Sơn) hô hào nông dân trồng cao su và quảng cáo rằng giống cao su của mình tốt, nhiều mủ… Nhưng khi cây cao su không có mủ, thì Công ty lại đổ lỗi cho nông dân.
Những sợi mủ cao su hiếm hoi còn sót lại trên những cây cao su “mù mủ”. |
Hợp tác không sòng phẳng
Nông trường Lam Sơn thành lập năm 1958, có tổng diện tích là 490ha. Tháng 7.2010, công ty cổ phần hoá và đổi tên thành Công ty TNHH một thành viên Lam Sơn, do ông Nguyễn Xuân Thành làm Giám đốc với hơn 300 công nhân.
Năm 1997, Công ty Lam Sơn ký hợp đồng thuê đất với công nhân (CN) để trồng cao su, với thời hạn 50 năm. Tuỳ theo tiêu chuẩn, mỗi CN được phân chia diện tích đất khác nhau. Công ty đầu tư toàn bộ nguồn giống, phân bón, kỹ thuật… để CN trồng cao su, với mức đầu tư khoảng 10 triệu đồng/ha. Số tiền này được trừ dần vào sản lượng mủ hàng năm khi cao su cho thu hoạch.
Diện tích trồng cao su của Công ty Lam Sơn tập trung chủ yếu ở 3 xã: Lam Sơn, Minh Sơn và Minh Tiến (Ngọc Lặc, Thanh Hoá), với 14 đội sản xuất. Bà Ngô Thị Thao – Trưởng thôn 10, xã Minh Tiến phân bua: “Khi đó bà con nghĩ ký hợp đồng trồng cao su với Công ty là trồng theo Chương trình 327 (phủ xanh đất trống đồi núi trọc) của Chính phủ, chứ không nghĩ là trồng thuê cho Công ty, nên ai cũng ủng hộ. Nhưng trồng được 3 năm, Công ty bảo đã bị cắt nguồn hỗ trợ từ Chương trình 327, nên phải chuyển sang rừng kinh doanh. Có nghĩa là bà con tự hạch toán, hàng tháng đóng phí, đóng sản lượng cho Công ty, thừa thì ăn, thiếu thì… bỏ tiền túi ra mà bù vào cho đủ. Còn không phải è lưng chịu phạt!?”.
Bà Thao phàn nàn: “Mãi sau này tôi mới biết, khi đó Công ty Lam Sơn hô hào bà con trồng cao su là để hợp lý hoá việc vay vốn ưu đãi và kiếm lời từ Chương trình 327 chứ dường như họ không quan tâm đến nguồn giống có đảm bảo hay không? Rồi thổ nhưỡng, địa hình như thế nào họ cũng chả quan tâm! Thế mới nên nỗi “cao su mù mủ” oái oăm này!”.
“Vàng trắng” hoá đen đủi phận nông dân
Ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Công ty Lam Sơn cho biết, cây cao su trồng 7 – 8 năm thì bắt đầu cho thu mủ, thời gian thu hoạch vào tháng 4 đến tháng 11 hàng năm. Năm 2005 – 2006, người trồng cao su bắt đầu cạo những giọt mủ đầu tiên. Họ hồi hộp, thấp thỏm hy vọng, nhiều người thức giấc từ 2 – 3 giờ sáng, rồi lọ mọ lần đường ra lô, lọ mọ cạo, lọ mọ gom cái thứ mủ được tung hô như là “vàng trắng” này. Tuy nhiên, chưa kịp mừng đã thất vọng, ngao ngán, khi mồ hôi đổ xuống gốc cao su chỉ gom được có 5kg “vàng trắng”/ha/ngày.
Anh Nguyễn Văn Thanh.
“Chúng tôi cứ tưởng cao su đang nhỏ tuổi thì ít mủ, chứ không nghĩ là nó mắc “bệnh”… không mủ, nên vẫn nuôi hy vọng năm sau lượng mủ sẽ tăng lên. Nhà tôi có 2ha cao su, nhưng thời điểm mủ nhiều nhất (tháng 6 – 7) cũng chỉ được 5kg/ha/ngày. Đa số các hộ đều không đủ mủ nộp sản cho Công ty, thiếu sản lại bị phạt, mà nộp hết thì lấy đâu tiền đong gạo!” – anh Nguyễn Văn Thanh, thôn 10, xã Minh Tiến nói như cào vào lòng mình!
Suốt từ năm 2006 đến nay, vì cao su không có mủ, nên chỉ có khoảng 10% số hộ trả được 50% số nợ đầu tư ban đầu. Không những thế, nhiều hộ nợ khó trả càng ngày càng tăng, do không đủ sản, nên bị Công ty phạt, số tiền phạt có khi lên đến cả chục triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Xuân Thành thừa nhận, giống cao su đang cho mủ quá thấp hiện nay có tên là Dim 600 và DT1, nguồn gốc ở Quảng Bình, được Công ty Lam Sơn nhân giống và bán cho CN trồng, với diện tích khoảng 300ha. Trong đó có khoảng 80ha buộc phải chặt bỏ để trồng lại.
Ông Thành cho biết thêm, lô cao su cho mủ cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 1.500–2.000kg mủ tươi/ha/năm. Mặc dù thừa nhận vậy, nhưng khi hỏi nguyên nhân vì sao cây cao su cho mủ quá thấp? ông trả lời: “Nguyên nhân một phần do nguồn giống chưa tốt, nhưng nguyên nhân chính do bà con chăm sóc không đúng kỹ thuật, phần khác vì chất đất và địa hình hơi dốc”.
--------------
Kỳ 2: Nông dân tự chặt... chân mình
Việt Tùng - Minh Tâm