Dân Việt

Nhiều âu lo về hệ thống tư pháp

30/03/2011 08:00 GMT+7
(Dân Việt) - Sáng 29.3, thảo luận tại hội trường về báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, hầu hết các đại biểu đều băn khoăn về hệ thống tư pháp còn yếu và nhỏ trước yêu cầu hết sức to lớn của công cuộc cải cách tư pháp.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) lo lắng: Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng hệ thống tư pháp vẫn còn nhiều tồn tại. Hầu như cứ án sơ thẩm là có phúc thẩm, án phúc thẩm thì có giám đốc thẩm, án hình sự thường phải trả lại hồ sơ để điều tra lại… điều này chứng tỏ yếu tố “tâm phục khẩu phục” chưa cao.

Nguyên nhân của tình trạng này, đại biểu Quyền chỉ rõ kèm dẫn chứng cụ thể: Là do đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn cán bộ giám định pháp y vài năm tới sẽ hết. Nhiều bác sĩ cho biết khi phân công không có ai nhận vì chế độ chính sách.

Đồng tình, đại biểu Hồ Trọng Vũ (Ninh Thuận) chia sẻ khó khăn với hai ngành kiểm sát và tòa án trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng toàn diện khiến tội phạm tăng. Tuy nhiên, đại biểu này phân tích: Chất lượng các bản án thấp đã dẫn đến việc các bản án chậm được thi hành.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, ông Vũ nêu vấn đề: Cần phải xem xét lại sự quan tâm của Nhà nước đối với hệ thống tư pháp. Hiện nay hệ thống tư pháp rất nhỏ nhoi và mỏng manh trước yêu cầu hết sức to lớn của công cuộc cải cách tư pháp. “Cán bộ cầm cân nảy mực nhưng chế độ “dưỡng liêm” rất hạn hẹp” - đại biểu Vũ nhấn mạnh.

Quan tâm đến vấn đề khắc phục tình trạng đơn thư vượt cấp diễn ra phổ biến, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk) cho rằng: Mấu chốt của vấn đề là cần nâng cao trình độ hiểu luật cho người dân. Khi có ý kiến cho rằng bản án có oan sai thì cần cử cán bộ xem xét lại ngay ở cấp địa phương.

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Quảng Ngãi) nêu những tồn tại của hệ thống tư pháp khiến chất lượng giải quyết các vụ án dân sự, án hành chính mà cần đến sự phối hợp giữa tòa án và cơ quan hành chính ở địa phương còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, việc định giá trong các vụ kiện dân sự cũng nhiều vướng mắc. Thông thường, một tháng tòa phải xử lý vài chục vụ, trong khi đó quy định chỉ cho phép 1 tuần định giá 2 ngày, mỗi ngày 2 vụ thì biết bao giờ mới xong. Đây chính là nguyên nhân gây ra sự chậm trễ trong việc các vụ kiện dân sự tồn đọng nhiều” - đại biểu Sơn lý giải.