Dân Việt

Sẽ đưa biến đổi khí hậu vào giảng dạy

30/03/2011 06:56 GMT+7
(Dân Việt) - Lần đầu tiên, ngày 29.3 Bộ GDĐT bàn thảo về đưa vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) thành môn học chính trong trường phổ thông vào năm 2015. Tuy nhiên, xung quanh môn học này còn rất nhiều tranh cãi

Thêm một môn học chính

img

Học sinh từ cấp mầm non sẽ được học về biến đổi khí hậu (ảnh minh họa).

Vấn đề mà nhiều phụ huynh quan tâm là BĐKH là một khái niệm rộng, vậy dạy dỗ trẻ em thế nào để các em hiểu và góp phần cải thiện tình hình này? Hiện tại, đã có một số tỉnh triển khai dạy thí điểm với mô hình trẻ em tham gia truyền thông về BĐKH lồng ghép với một số môn học.

Chẳng hạn như tại Quảng Trị, biện pháp mà Sở GDĐT địa phương này áp dụng là thành lập nhóm truyền thông nhỏ, mỗi nhóm chỉ có 3 em, từ 3 em đó nói chuyện về BĐKH cho 15 đến 20 em bằng những ví dụ dễ hiểu nhất. Những hoạt động này được làm ngoài giờ, các lớp học sáng truyền thông cho lớp học chiều, lớp trên truyền thông cho lớp dưới.

Qua các trò chơi như tìm hiểu về đất, biển… học sinh sẽ biết cách bảo vệ môi trường, chống BĐKH, ứng phó với thiên tai. Mỗi trường tập huấn cho 15 học sinh cốt cán, từ 15 học sinh này lại đi tập huấn cho các lớp khác từ đó nhân rộng ra toàn trường. Các em học sinh truyền thông lại cho bố mẹ, người thân.

Từ thực tế những mô hình lồng ghép hiệu quả tại các địa phương như Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… Bộ GDĐT xem đây như mô hình kiểu mẫu để rút kinh nghiệm trong dự án về BĐKH mà Bộ đang triển khai.

TS Lê Trọng Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Phó Trưởng ban ứng phó về BĐKH - Bộ GDĐT cho biết: "Sau năm 2015, giáo dục về BĐKH sẽ được đưa vào thành môn học đại cương lồng ghép trong chương trình giảng dạy, của tất cả các cấp học từ mầm non đến đại học, lấy tên là môn học Giáo dục môi trường".

Có quá tải?

Tranh cãi nảy sinh khi nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa BĐKH thành môn học chính là điều rất khó thực hiện vì chương trình giáo dục đã rất nặng và quá tải. Ngoài ra, chương trình phải xây dựng thế nào để môn học về BĐKH không trở nên khô cứng mà thực sự thu hút được các em học sinh.

Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Trưởng phòng GDĐT huyện Gio Linh, Quảng Trị chia sẻ: "Quan trọng là nhận thức của thầy cô, cần nâng cao nhận thức để thầy cô thấy đó là trách nhiệm và đam mê chứ không phải là gánh nặng." Ông Thành cho biết thêm: Trong từng tiết dạy cụ thể, phải làm cho học sinh tự phát triển tư duy hiểu biết về BĐKH chứ không phải là nội dung bổ sung, thêm gánh nặng kiến thức."

Đồng tình với quan điểm của ông Thành, bà Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch Liên minh tổ chức phi chính phủ Việt Nam VGOA bày tỏ: "Nên đưa vào tiết học ngoại khóa theo hình thức vừa giảng dạy vừa vui sẽ làm tăng hiệu quả của giáo dục về BĐKH. Tuy nhiên, nếu lồng ghép thì cần phải có những biện pháp cụ thể giúp các em tiếp thu một cách dễ dàng, tránh tình trạng giáo viên xem đây không phải là môn học đinh, môn học chính thống mà lờ nó đi".

Theo dự kiến, bộ môn Giáo dục môi trường sẽ được giảng dạy linh hoạt phù hợp đối với từng cấp học. Cụ thể với cấp mầm non sẽ tuyển tập các bài thơ, bài hát, trò chơi... với nội dung liên quan BĐKH. Ở cấp tiểu học, THCS, THPT, các trung tâm GDTX sẽ biên soạn tài liệu tích hợp với các môn học, các modun về ứng phó với BĐKH... Các trường ĐH, CĐ khối sư phạm, nội dung này sẽ đưa thành một chương riêng trong học phần "Con người và Môi trường" hoặc "Khoa học môi trường", "Môi trường và phát triển bền vững".