Hai giống này có đặc tính kháng bệnh hữu hiệu trong mùa mưa, năng suất cao hơn nhiều so với các giống khoai tây đang trồng trong nước hiện nay.
Thạc sĩ Nguyễn Thế Nhuận - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Lâm Đồng cho biết: Năm 1996, giống khoai tây TK 96.1 được trung tâm lai tạo thành công từ các giống nhập nước ngoài về; trung tâm gửi giống đi làm sạch bệnh tại Viện Phát triển nghề vườn ở Australia.
Qua thời gian khảo nghiệm từ vườn ươm, năm 2005, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đặt hàng số lượng lớn khoai tây trong mùa mưa. Trung tâm mở rộng khảo nghiệm chính quy và trồng đại trà tại Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương và mở rộng ra các vùng đồng bằng sông Hồng.
Giống khoai tây kháng bệnh mùa mưa trồng đạt năng suất cao ở vùng rau Đà Lạt. |
Thời điểm khảo nghiệm trong mùa mưa, mỗi diện tích khảo nghiệm từ 500-2.500m2. Kết quả khảo nghiệm năm 2010 đã chính thức có kết luận: Giống TK 96.1 đạt năng suất trung bình tại các vùng đất Lâm Đồng từ 25- 35 tấn/ha (cao hơn giống khoai trồng mùa khô 5 tấn); củ tròn dẹt, mắt cạn; sau chế biến không đổi màu, hàm lượng đường khử thấp, chất khô cao.
Đặc biệt trong suốt mùa mưa ở Lâm Đồng, giống TK 96.1 thể hiện đặc tính kháng bệnh hữu hiệu bệnh mốc sương, thời gian sinh trưởng mạnh liên tục cả thời vụ 100 ngày.
Cuối năm 2010, giống TK 96.1 được Bộ NNPTNT công nhận được đưa vào sản xuất. 6 tháng đầu năm 2011, trung tâm đã cung cấp khoảng 10 tấn giống TK 96.1 cho ND Lâm Đồng; đồng thời cung cấp cho một doanh nghiệp chế biến khoai tây ở TP.HCM 500.000 củ giống theo hợp đồng đến hết tháng 1. 2012.
Giống khoai tây PO3 kháng bệnh mốc sương trong mùa mưa Lâm Đồng, được trung tâm nhân giống cấy mô sạch bệnh từ giống gốc nhập về ở Philippines. PO3 có thể thu hoạch dùng ăn tươi và cho chế biến. Khảo nghiệm từ năm 2001 đến 2006, giống PO3 đạt những chỉ tiêu vượt trội so với giống khoai tây thông thường đang trồng.
70 ngày sau khi trồng, gặp mưa bão kéo dài, giống khoai tây thông thường nhiễm nặng phần lớn bệnh mốc sương, cành tá tàn rũ, năng suất từ 8,2-14,9 tấn/ha; giống PO3 chỉ nhiễm một vài vết bệnh mốc sương không đáng kể, năng suất từ 31-36 tấn/ha.
Năm 2004 - 2005, trung tâm chuyển giao kỹ thuật cho ND Đà Lạt trồng với diện tích 100ha, ở địa bàn Cam Ly, phường 5 và xã Xuân Thọ, năng suất trung bình 30 tấn/ha. Năm 2006, diện tích tăng lên 300ha. Kết quả phân tích tại Trung tâm Phân tích và Môi trường thuộc Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cho thấy: Giống khoai tây PO3 có hàm lượng chất khô và hàm lượng tinh bột cao, không có dấu hiệu đổi màu sau chế biến. Giống khoai tây PO3 đã được Bộ NNPTNT cho phép trồng rộng rãi.
Dự báo đến năm 2015, vùng nguyên liệu khoai tây Lâm Đồng tăng lên 5.000ha. Bên cạnh các giống khoai tây thông thường trồng trong mùa khô, việc tăng vụ hai giống khoai tây TK 96.1 và PO3 vào mùa mưa sẽ góp phần tăng thu nhập cho ND.
Văn Việt