Dân Việt

5.000 tỷ đồng và hơn 2 vạn sinh mạng

17/11/2012 07:37 GMT+7
(Dân Việt) - “Nên dừng Thủy điện Sông Tranh 2 lại” - đó là mong muốn của nhiều cán bộ và người dân. Ai cũng cho rằng, thủy điện còn là nỗi hoang mang, lo lắng của người dân còn.

Ngay cả Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam và huyện Bắc Trà My vào chiều ngày 16.11, cũng tỏ ra quyết liệt khi đưa ra khả năng: “Có thể không cho Thủy điện Sông Tranh 2 tích nước vĩnh viễn”.

img
Phải biết hy sinh Thủy điện Sông Tranh 2 thì người dân mới bớt lo và yên tâm ổn định cuộc sống.

Những hệ lụy đã được dự báo trước

Tuy nhiên, một số cán bộ ở Bắc Trà My lại không đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Dũng mà họ cho là không giải quyết được gốc vấn đề. Theo họ, phải phá bỏ hẳn công trình thủy điện đã từng được cảnh báo trước này đi.

Ông Hồ Cao Quý - Bí thư Đảng ủy xã Trà Đốc - cho rằng: “Bữa nay nước còn thấp mà động đất ngày càng mạnh, dân sống không nổi. Huống gì vài bữa lũ lớn về thì động đất còn ở mức nào nữa”.

Ông Huỳnh Tấn Sâm - nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My, nói: “Lúc còn làm Bí thư Huyện ủy, tôi đã phản đối quyết liệt Dự án Thủy điện Sông Tranh 2 vì những thiệt hại khủng khiếp của nó gây ra đối với rừng, đất rừng, môi trường, vì sự ảnh hưởng to lớn của nó đến đời sống bình yên của bộ phận không nhỏ đồng bào... Sự phản đối của tôi không được các cấp ngành chấp thuận. Bây giờ những tệ hại mà dự án này bộc lộ ra đã quá rõ ràng. Giờ giữa 5.000 tỉ đồng đầu tư xây TĐST 2 và tính mạng, sự an toàn của hơn 2 vạn con người, tôi nghĩ là Chính phủ và chúng ta đều biết là nên chọn cái gì”.

Nên hy sinh thủy điện

Ngày 16.11, tại Bắc Trà My, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, đơn vị tư vấn thiết kế đập, Viện Vật lý địa cầu… cho rằng, kiểm tra hiện trường cho thấy đập vẫn an toàn, không có các biểu hiện bất thường sau trận động đất mạnh vào chiều 15.11. Tuy nhiên, ông Đinh Văn Thu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nghi ngờ về cường độ trận đất được công bố. Ông cho rằng, trận động đất gây chấn động cực mạnh trên diện rộng, số liệu ghi được tại máy đo gia tốc lên đến 268cm/s2 nhưng cường độ lại chỉ có 4,7 độ richter. Ông Nguyễn Đức Hải – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng cho rằng, hiện tượng động đất hôm 15.11 là bất thường.

Lên núi lánh nạn

Sáng 16.11, tin đồn thất thiệt đập Thủy điện Sông Tranh 2 đã vỡ khiến cho 20 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Mậu Long, xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My, gói gém tài sản, hốt hoảng chạy lên núi lánh nạn. UBND xã Trà Sơn phải cấp tốc lên núi vận động người dân và tối cùng ngày số người này mới chịu về nhà. Song nhiều người không dám ngủ trong nhà xây, tiếp tục mắc võng, mang ghế ra vườn ngủ mặc cho thời tiết có mưa lạnh.

“Động đất là hiện tượng địa chất phức tạp, khó lường và đây là trường hợp hiếm thấy nên sắp tới sẽ kiểm tra toàn diện địa chất tại khu vực này. Các chuyên gia giỏi của quốc tế sẽ tiếp tục vào đây nghiên cứu để đưa ra kết quả chính xác” - lời Bộ trưởng Dũng. Tuy nhiên, ông Hồ Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, thẳng thắn chia sẻ: “Chúng tôi đã quá mệt mỏi vì chuyện động đất và những gì liên quan đến Thủy điện Sông Tranh 2. Vì vậy, theo tôi không được tích nước nữa để động đất không còn ám ảnh người dân huyện này và nhiều nơi khác”.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Chính phủ luôn đặt an toàn của người dân lên hàng đầu và sẽ theo dõi sát sao diễn biến tại đây để ứng xử kịp thời. “Có thể sẽ cho tích nước ở chừng mực nào đó, nhưng cũng có thể không cho tích nước vĩnh viễn để đảm bảo an toàn cho dân. Việc đập không có cửa xả đáy, sẽ làm đường hầm dẫn nước để rút cạn nước như ban đầu” - ông Dũng cho biết. Bộ trưởng Dũng cũng yêu cầu chủ đầu tư sớm giải quyết hỗ trợ thiệt hại và khắc phục các hệ lụy và những phát sinh mới theo đúng cam kết.

Chiều ngày 16.11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gọi điện thăm hỏi, chia sẻ động viên người dân vùng Sông Tranh 2 sau trận động đất hôm 15.11.

ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.HCM): Khó lường trước thiên nhiên

Tôi cũng tán thành là chúng ta nên dừng công trình TĐST 2 lại. Một khi thiên nhiên đã có dấu hiệu bất thường thì con người nên chủ động tránh đi. Khả năng của con người hữu hạn, trong khi thiên nhiên thì vô hạn khó lường. Ngay cả nước Nhật có hệ thống cảnh báo hiện đại thế mà cũng không lường trước được thảm họa sóng thần. Tôi thấy chúng ta phải làm chắc, đảm bảo an toàn cho dân và hy sinh lợi ích trước mắt. Dừng và bỏ luôn TĐST 2! 5.000 tỷ chứ 10.000 tỷ cũng phải bỏ vì an toàn xã tắc, đừng để xảy ra việc đã rồi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT của Quốc hội Lê Bộ Lĩnh: Không chi phí nào hơn mạng người

Quan điểm của Quốc hội, Chính phủ cũng như chính quyền địa phương là an toàn của người dân là trên hết. Mục tiêu phát điện chỉ đứng thứ hai. Khi chúng ta đã xác định an toàn người dân là số 1 thì phương án nào tốt nhất chúng ta nên lựa chọn, kể cả trong trường hợp phải phá bỏ đập vì không có chi phí nào hơn tính mạng của người dân. Vấn đề hiện nay là các cơ quan chức năng, cơ quan khoa học tập trung công sức, nhân lực, phương tiện để sớm có kết luận về sự an toàn của đập. Đồng thời cần sớm đưa ra phương án tối ưu như dừng hoạt động thủy điện trong một thời gian để nghiên cứu, đánh giá đầy đủ. Ngoài ra, phải tính tới việc bổ sung cửa xả đáy và đưa ra phương án ứng phó trong trường hợp sự cố xảy ra.

ĐB Phạm Trường Dân (đoàn Quảng Nam): Khoan cắt đập để xả bớt nước

Hiện đập TĐST 2 không thể xả nước được do không có cửa xả. Vì đây là đập làm theo công nghệ bê tông đầm lăng, không có đập tràn như các công trình thủy điện khác. Đập đang chứa trên 200 triệu m3 nước. Bây giờ muốn xả nước chỉ còn cách khoan cắt bê tông thôi.

Bây giờ, người không yên tâm nên không sản xuất được, vì thế ảnh hưởng rất nhiều đến đến kinh tế. Tôi đề nghị phải tính toán đến vấn đề an dân khi triển khai các dự án về kinh tế. Bây giờ tất cả trông chờ vào cách giải quyết của Chính phủ, nhưng theo tôi phải giải quyết trên tinh thần an toàn của người dân phải đặt lên hàng đầu.