Dân Việt

Đất đai là vấn đề muôn thuở của nông dân

18/11/2012 06:33 GMT+7
(Dân Việt) - Tối 16.11, tại Hà Nội, buổi ra mắt sách và giao lưu với dịch giả bộ tiểu thuyết “Nông dân” đoạt Giải thưởng Nobel năm 1924 của Wladyslaw St. Reymont đã được tổ chức.

Nhân dịp này, Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với dịch giả Nguyễn Văn Thái.

Thưa ông, với hơn 1.400 trang sách của bộ tiểu thuyết, mặc dù đã từng đoạt Giải Nobel nhưng chắc chắn không phải là đề tài “hot” trên thị trường sách. Vậy ông có nghĩ mình mạo hiểm khi dịch bộ tiểu thuyết này?

- Trước đây, tôi đã từng dịch tác phẩm thơ nổi tiếng “Chàng Tadeush” của đại thi hào Adam Mickiewicz nên nghĩ lần này chắc sẽ đơn giản hơn, thế nhưng không phải. Tôi đã mất hai năm rưỡi cho bộ tiểu thuyết này, ngày nào cũng phải làm việc cật lực bởi nhà văn Reymont đã sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh rất đặc biệt trong tác phẩm, tràn ngập những ví von đầy chất thơ.

img
Dịch giả Nguyễn Văn Thái và bộ tiểu thuyết “Nông dân”.

Một đoạn văn tả cảnh mùa đông, tuyết, cảnh đêm hay mùa thu, văn chương hiện đại có lẽ chỉ cần vài câu hay một đoạn, nhưng ông viết tới mấy trang với một văn phong tuyệt vời. Thế nên tôi mất rất nhiều công sức để lựa chọn từ ngữ sao cho nó toát ra được vẻ đẹp ấy.

Tôi biết tác phẩm này khó lòng gây “sốt” trên thị trường sách, nhưng tôi vẫn quyết tâm dịch, vì yêu mến tác giả, ông sống vất vả, được Giải Nobel năm 1924 thì đến 1925 đã qua đời. Và một điều nữa, vì tôi yêu quý bạn đọc VN, chắc chắn sẽ có những người rất muốn đọc bộ tiểu thuyết nổi tiếng này, để xem vì sao nó được Giải Nobel chứ?

Thưa ông, trong “Nông dân”, tác phẩm được xem như một sử thi của Ba Lan, người đọc sẽ được biết nhiều về xã hội của Ba Lan dưới thời thống trị của Nga hoàng cuối thế kỷ XIX, nhưng hẳn trong đó phải có một tư tưởng sâu xa để khiến nó đoạt Giải Nobel?

- Bộ tiểu thuyết này gồm bốn tập “Thu”, “Đông”, “Xuân”, “Hạ” với tư tưởng chủ đạo rất đơn giản: Những gì đang diễn ra cũng đã từng diễn ra và sẽ diễn ra mãi mãi. Hết thu đến đông, hết xuân đến hạ, cứ thế quay vòng. Trong đó có cuộc sống của người nông dân gắn bó với đất đai, mùa vụ, với hội hè, chợ phiên, phong tục tập quán.

Họ đấu tranh với đại điền chủ để giữ từng tấc đất, từng cánh rừng, đấu tranh để sống với tình yêu. Nông thôn muôn đời vẫn thế, người nông dân có đôi chút thủ cựu trong gìn giữ lệ làng, cứ về quê là phải theo nếp, một việc nhỏ trong nhà, cả làng cùng biết, nhưng bù lại, rất đùm bọc, thương yêu nhau. Ít có tác phẩm nào viết về nông dân mà duy trì được sự hứng khởi ở người đọc từ đầu đến cuối như vậy.

“Tôi rất tiếc khi đề tài về nông dân giờ đây hoàn toàn vắng bóng trong đời sống văn học đương đại VN, hầu như chỉ còn nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là còn viết về nông thôn. Đó là một điều đáng buồn, VN là một nước nông nghiệp, vấn đề của nông thôn là một vấn đề lớn cần được phản ánh”.

Cuộc đấu tranh giữ đất của những người nông dân Ba Lan hơn 100 năm trước và sự nóng bỏng về vấn đề đất đai của nông dân VN thế kỷ này, theo cảm nhận của ông, có nét tương đồng nào không?

- Đất đai là vấn đề muôn thuở của nông dân, ở bất kỳ quốc gia nào. Trong tác phẩm “Nông dân”, có thể thấy không ai yêu đất và hiểu đất bằng những người nông dân khuya sớm trên đồng. Họ sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống của mình để giữ đất.

Tác phẩm mở đầu bằng tâm sự của một bà cụ lang thang nay đây mai đó, sống dựa vào lòng thương của dân làng, cả đời bà chỉ ước ao khi nhắm mắt xuôi tay được chết như một chủ đất, được nằm trên giường, có cha cố đến làm lễ với tranh Thánh xung quanh. Đất với người nông dân quan trọng hơn hết thảy.

Tôi sống ở Ba Lan, ít có điều kiện về nước nhưng qua báo chí, tôi cũng cảm nhận được, đất đai cũng là vấn đề mấu chốt với nông dân VN hiện nay. Khi đất còn là cánh đồng thì còn sự bình yên, khi đất trở thành dự án, thành khu công nghiệp, có nhiều thứ lâu bền ngàn đời bị vỡ tan hoang ra. Tôi chỉ mong các nhà hoạch định chính sách cân nhắc thật kỹ trước khi đụng đến đất đai của nông dân.

Thực tế nông dân Ba Lan hiện nay có còn nóng với đất đai nữa không thưa ông?

- Ba Lan khác chúng ta ở chỗ diện tích của họ rộng mà dân số chỉ bằng một nửa, thế nên một người nông dân sở hữu vài mẫu ruộng là bình thường. Vấn đề của họ hiện nay là thiếu lao động, vì nhiều thanh niên đều ra thành thị để đổi đời, không muốn ở mãi làng. Cuộc đấu tranh của họ để giữ đất vẫn còn nhưng không phải là giữ cho bản thân mình, vì đất canh tác rất nhiều, không có sức để làm.

Tôi chứng kiến nhiều cuộc đấu tranh của nông dân với chính quyền khi có dự án mở một con đường cao tốc đi qua đồng ruộng hay một cánh rừng, nông dân đấu tranh vì muốn bảo vệ môi trường, họ không muốn môi trường bị tàn phá khi có sự xâm lấn của đời sống đô thị hiện đại.

Xin cảm ơn ông!