Năm 1957, khi đang cùng một toán khảo sát đê điều bên sông Đà, tôi được tiếp xúc với một toán gồm mấy người Việt Nam với một ông chuyên gia Liên Xô. Qua vài ngày chuyện vãn, bù khú với mấy ông người Việt mới “bật mí”: Mấy người này trong một đoàn khảo sát tác động môi trường của Thủy điện Hòa Bình! Hồi đó chưa có từ “đánh giá tác động môi trường” ( ĐTM) nhưng nội dung là như vậy.
Đại khái có nhiều toán như toán này, giẫm chân khắp vùng lưu vực sông Đà, nơi tương lai sẽ bị nhấn chìm dưới hồ nước sâu hàng trăm mét. Người ta muốn biết trong vùng hồ tương lai này rừng sẽ mất bao nhiêu, tác động đến khí hậu thổ nhưỡng ra sao, dưới đáy lòng hồ có những mỏ gì, dân cư phải di dời có số lượng bao nhiêu, tập tục văn hóa, phong tục và tương lai cuộc sống ở vùng tái định cư mới. Tóm lại là tất cả những gì người ta cần phải biết khi chôn vĩnh viễn một vùng đất rộng lớn dưới hồ thủy điện.
Năm 1987, công trường Thủy điện Hòa Bình mới được khởi công. Nghĩa là, ĐTM đã được cân nhắc, chuẩn bị 22 năm ròng rã!
Cám cảnh cho cách làm ăn chụp giựt thời nay của mấy ông kinh doanh thủy điện. Nhà đầu tư 2 dự án thủy điện lớn trên sông Đồng Nai là DN6 và DN6A thuê Viện Thủy lợi miền Nam 426 triệu đồng để làm ĐTM. Viện này đã cử một nhóm mấy người đi khảo sát. Kế hoạch đi 5 ngày thì 3 ngày bị lạc rừng, chỉ còn 2 ngày để “khảo sát”. Kết quả cũng đẻ ra được mấy chục trang ĐTM để nuốt trôi mấy trăm triệu đồng tiền thuê, mặc dù bị báo chí lật tẩy là có rất nhiều trang chép lại ĐTM của các nhà máy thủy điện trước đó.
Với cái ĐTM dỏm đó, người ta vẫn cả gan lập hồ sơ trình duyệt triển khai 2 dự án thủy điện có thể gây nguy cơ hủy diệt Vườn quốc gia Cát Tiên! Than ôi, 22 năm so với 2 ngày! Sông Đà và sông Đồng Nai cùng là sông của một nước. Vậy mà chỉ cách nhau mấy chục năm, cung cách làm ăn đã bị suy đồi, xuống cấp và chụp giật nguy hại đến thế! Liệu có ai uống thuốc liều để thông qua 2 dự án với những trò nghiên cứu dối trá và dối dá này không?
Nguyễn Quang Thân