Cậu bé nghèo mê sáng tạo
Trong căn nhà nhỏ nằm trong một con hẻm “ổ chuột”, thuộc huyện Hóc Môn (TP. HCM) chỉ chừa lại đủ nơi lách người đi vào, còn lại lão dành cho những thứ đồ phục vụ cho công việc của mình. Đó cũng là nơi mà ông Thành “trưng bày” những “sản phẩm trí tuệ”.
Dưới nền nhà là hai chiếc xe đạp độc đáo cấp I và cấp II, bên cạnh là chiếc “xe ruồi”, phía trước là chiếc “jeep- bò -lết” (ông tự đặt tên- PV), còn trên gác là hàng loạt xe đạp nhún tăng cấp. Gạt những gọt mồ hôi lấm tấm, ông nở nụ cười rồi ngồi bệt xuống nền nhà tiếp khách.
Ông Thành bảo, tất cả các loại xe này đều do lão tự chế từ niềm đam mê. Cái hạt nhân ấy được hình thành, nung nấu, rèn dũa ngay từ nhỏ. Phút nghỉ ngơi, gã chầm chậm ngược lại ký ức tuổi thơ của mình.
Chiếc xe đạp cải tiến tốc độ từ năm 1975 |
Sinh ra trong gia đình đông anh chị em ở xã An Ninh (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), cái nghèo như vận mệnh luôn đeo bám lão. Ba mẹ quần quật làm lụng nuôi mấy anh em ăn học. Tuy nhiên, trong nhà duy chỉ có ông Thành là người chăm học.
Ông thông minh, ưa sáng tạo, tuổi nhỏ đã biết làm những thứ đồ chơi cho riêng mình. Ngày ấy, ông Thành đã khiến người lớn phải khâm phục. Thấy vậy, ba mẹ và các anh chị đoán rằng, sau này Thành sẽ thành đạt. Năm 1954, ông theo gia đình vào Sài Gòn học. Ông học giỏi các môn thuộc khoa học tự nhiên, nhất là Toán, Lý và hình học.
Ngày đó, ngoài việc học hành, “lão gàn” rất thích tự vẽ những mô hình máy móc trên giấy rồi tính toán, phân tích cơ chế hoạt động của chúng. Nhiều đêm ông say mê đến độ quên cả ăn uống. Mỗi khi xong một bản vẽ, ông tự thấy mình hiểu hơn về máy móc và phương tiện đi lại.
Tốt nghiệp cấp ba, ông xin phép bố mẹ ra Quy Nhơn học ngành cơ khí chế tạo máy. Ba năm học ở đây cũng đủ trang bị cho ông những kiến thức cơ bản về động lực học. Trong khi các bạn đồng trang lứa vẫn bối rối khi đứng trước một bộ máy nào đó, thì ông Thành khá tự tin. “Lão gàn” có thể đứng trước thầy cô và mọi người thuyết trình một cách rành mạch. Vì thế, cậu luôn được thầy cô tán thưởng, bại bè noi gương.
Ông Thành “chế” chiếc xe ô tô dáng con ruồi khiến mọi người thán phục |
“Quên” lấy vợ vì “chế” xe
Ngay từ thời đang đi học tại Quy Nhơn, ông Thành đã có ý thức vận dụng những kiến thức lĩnh hội được ở trường, lớp vào cuộc sống thường ngày.
Nhưng điều đặc biệt, ông không xin đi làm bất cứ ngành nghề gì mà chỉ ở nhà làm những việc theo sở thích của mình. “Lão gàn” đã khiến cha mẹ rất buồn. Nói chuyện với chúng tôi, ông Thành bảo:“Cái sở thích ấy đã thành bản tính. Một khi là niềm đam mê thì không thể thay đổi được”.
Ngày ấy, ông Thành ít nói, cũng chẳng màng chuyện yêu đương, vợ con. Mặc dù, ông cũng thuộc hạng to cao, bảnh trai, là ước mơ của bao cô gái. Tuy nhiên, mỗi khi đứng trước người con gái, gã lại đỏ mặt tìm đường “chuồn”.
Lâu dần, cha mẹ cũng nóng mặt thay cho “lão gàn”. Họ đi mối lái nhiều lần nhưng ông lắc đầu không chịu. Năm tháng qua đi, các bạn cùng tuổi đã lấy vợ khiến ông trở nên lạc lõng. Mỗi khi nhắc đến chuyện gia thất gã lại cười pha trò cho qua chuyện.
Đến giờ, đã ở cái tuổi lục tuần, mái tóc pha sương, ông Thành vẫn là người chăn đơn gối chiếc. Nhưng với gã, chẳng thứ gì quan trọng bằng niềm đam mê. Lão bảo, có thể bỏ công sức, tiền bạc dù tốn kém như thế nào để hiện thực ý tưởng của mình.
Sau 1975, gã kỹ sư năm nào hành nghề sửa chữa xe đạp ở các ngả đường Sài Gòn. Đó cũng chính là năm tháng những “đứa con tinh thần” đầu tiên ra đời. Giai đoạn sau 1975, đường phố Sài Gòn thịnh xe đạp. Thế nhưng hầu hết xe đều khó chạy và tốc độ rất chậm. Vậy là ý tưởng một chiếc xe đạp tốc độ cao xuất hiện.
Ông Thành cho biết, để cải thiện tốc độ, chỉ có nâng cấp bộ líp để tăng tốc vòng quay. Có lẽ, nguyên lý này “lão gàn” nắm rất rõ. Tuy nhiên, để biến điều đó là sự thật không phải là dễ. Nhiều đêm mày mò, cuối cùng chiếc xe đạp đầu tiên cũng ra đời với bộ líp tăng tốc cấp I, cùng giàn lò xo nhún êm như nhung, hệ thống điều chỉnh ngay ở hai tay cầm.
Ngay lần đầu sử dụng chiếc xe của ông đã thành công mỹ mãn. Chiếc xe đạp cấp I, chạy nhanh như xe máy xuất hiện trên đường phố Sài Gòn khiến bất cứ ai cũng kinh ngạc và thán phục. Nhiều người thấy lạ, hỏi ra mới biết ông tự cải tiến bộ phận líp để nâng cấp số vòng quay.
Không những thế, khi xe của ông đi qua ổ gà, đoạn đường xóc nhưng người vẫn êm ru. Người ta chạy hàng chục km không có cảm giác mệt mỏi. Tiếp sau đó, ông hoàn thiện chiếc xe đạp nâng cấp II để cải thiện tốc độ cho chiếc xe cấp I.
Nói chuyện với chúng tôi bằng ánh mắt tự hào, ông Thành bảo, cho đến giờ ông không nhớ nổi mình đã chế tạo ra những gì. Vì suốt thời gian sau 1975 đến nay ông đã “chế” được vô số loại xe đặc biệt. Đó là xe hai bánh nâng cấp, xe ba bánh đạp, xe bốn bánh đạp, xe ba bánh gắn vỏ xe hơi, xe hơi bốn bánh gắn vỏ…Tất cả đều được ông mày mò tự chế. Có điều lạ là từ khi có ý tưởng đến khi hoàn thành, tất cả các chi tiết đều được “lão gàn” tính toán khá chuyên nghiệp.
Điều đáng nói là mọi sản phẩm của sự sáng tạo của “kỹ sư” Thành đều rất gần gũi và thiết thực với người dân. Đống sắt vụn bỏ đi, qua đôi tay khéo léo và ý tưởng thông minh của lão lập tức biến thành chiếc xe đạp, chiếc mô tô hay bất cứ thứ gì.