Họ không phải là những người quá nghèo, cũng không ít học. Có người từng làm nhân viên tại những cơ quan uy tín, có người từng ngồi ở vị trí quyền lực cao ngất ngưởng của một cơ quan... Họ giống nhau là không thể kìm chế lòng tham và kết cục là cảnh đáo tụng đình.
Vết trượt của “sếp”
Trụ sở TAND TP.HCM và Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM là nơi từng đưa ra xét xử nhiều bị cáo từng là kế toán trưởng công ty, nhân viên tài chính, thậm chí là giám đốc chi nhánh các ngân hàng, kho bạc Nhà nước.
Bị cáo Nguyễn Phi Vũ tại phiên tòa phúc thẩm |
Còn nhớ ngày phiên tòa xét xử vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do vợ chồng Trần Thị Hà - Hà Văn Hòa (Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty phát triển nhà Thành Phát) được đưa ra xét xử. Mới thành lập doanh nghiệp, Hà cùng chồng đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối để lập hồ sơ dự án xây dựng khu dân cư và khu công nghiệp sạch tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Khi dự án trên được duyệt, họ đem hồ sơ trên thế chấp vay ngân hàng Agribank – chi nhánh Chợ Lớn 18 tỉ đồng và 3.000 lượng vàng, chiếm đoạt của Nhà nước cả chục tỉ đồng.
Khi công việc làm ăn phi pháp bại lộ, vợ chồng Hà ra tòa cũng là lúc các quan chức ngân hàng bị coi là đã có hành vi tiếp tay trong quá trình xét duyệt hồ sơ cho Hà vay tiền như Trần Văn Tuyến (nguyên Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT - chi nhánh Chợ Lớn), Lưu Thị Minh Hiền (nguyên Trưởng phòng tín dụng) phải ra tòa vì hành vi sai trái.
Kết thúc mỗi lời trình bày của họ không còn những tiếng vỗ tay hưởng ứng mà là những khoản không tĩnh lặng, những câu thẩm vấn, luận tội đầy lý lẽ của Viện kiểm sát. Bước chân nặng nề im lìm in dấu trước vành móng ngựa.
Vết trượt của nhân viên
Không ngồi ở “ghế” giám đốc như Trần Văn Tuyến hay Lưu Thị Minh Hiền nhưng bị cáo Nguyễn Phi Vũ (27 tuổi, TP.HCM) cũng từng có công việc, gia đình mà nhiều người nhìn vào phải mơ ước.
Vũ sinh ra tại TP.HCM, thuộc một gia đình trí thức. Năm 2005, học xong, Vũ được nhận vào làm nhân viên quỹ của một ngân hàng liên doanh có chi nhánh tại Bình Dương. Vì là nhân viên quỹ nên hàng ngày công việc của Vũ tiếp xúc với rất nhiều tiền.
5 năm đầu, mọi việc trôi qua tốt đẹp. Rồi bị cáo không vượt qua được sự cám dỗ của đồng tiền hàng ngày cầm trên tay nên nảy sinh ý định chiếm đoạt.
Giữa năm 2010, thấy mỗi lần bàn giao tiền người nhân viên kho quỹ nhận tiền từ Vũ thường không kiểm đếm những cọc tiền còn nguyên niêm phong của ngân hàng Nhà nước nên Vũ đã lén dùng tiền âm phủ bỏ vào giữa các cọc tiền còn niêm phong, rút ra một khoản tiền thật để tiêu xài.
Đến khi vụ việc vỡ lở, ngân hàng kiểm tra các cọc tiền phát hiện có tới hơn 6.000 tờ tiền âm phủ loại mệnh giá 500.000 đồng và 200.000 đồng nằm ở giữa các cọc tiền thật. Vũ đã bỏ túi hơn 1,8 tỷ đồng chưa kể 229 triệu đồng bị cáo kê khống hóa đơn chứng từ để chiếm đoạt.
Được và mất
Ngày Vũ ra tòa để kháng cáo lên Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xin giảm nhẹ hình phạt, gương mặt còn rất trẻ của bị cáo cứ cúi gằm. Cha mẹ, người thân buồn - khóc. Họ đã tất tả chạy vạy để khắc phục toàn bộ số tiền Vũ chiếm đoạt cho ngân hàng.
Dù vậy, đó chỉ được coi là một tình tiết giảm nhẹ. Bị cáo vẫn phải ngồi tù 8 năm về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Cặp mắt buồn rầu đầy ân hận, bị cáo gửi tới gia đình lời xin lỗi trước khi lên xe về trại.
Trong một phiên tòa khác, bị cáo Trần Minh Long - kế toán trưởng kho bạc nhà nước huyện Nhà Bè cũng bị đưa ra xét xử về tội “tham ô”, “đánh bạc” xuất phát từ việc không vượt qua được sự cám dỗ của đồng tiền.
Ngày bị cáo ra tòa, người vợ rưng rưng nước mắt. Chị chẳng thề ngờ chỉ vẻn vẹn 4 tháng trời, với vai trò kế toán trưởng, chồng mình có thể biển thủ 44 tỷ đồng của Nhà nước để chơi cá độ bóng đá.
Chồng bị tuyên án tử hình, chị chạy vạy khắp nơi cũng chỉ được 100 triệu đồng để khắc phục hậu quả - số tiền chẳng thấm là bao so với khoản Long đã chiếm đoạt.
Nhìn vợ lật đật đến dự phiên phúc thẩm, Long ứa nước mắt nhưng chẳng nói được lời nào. Ân hận, dằn vặt là những gì người ngoài cảm nhận được từ bị cáo. Chỉ vì những phút “say” cờ bạc, bị cáo đã phải đánh đổi bằng cả tương lai sự nghiệp, thậm chí cả mạng sống của mình.