“Bản Hiến pháp do nhân dân phúc quyết sẽ là Hiến pháp thật sự của dân, do dân, vì dân, thiêng liêng và bất khả xâm phạm” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói.
Nó hay, là bởi người dân sẽ được thể hiện ý chí trong việc xây dựng đạo luật gốc, dù quyền này đã được ghi trong bản Hiến pháp đầu tiên. Hay, cũng còn là vì, nói như ĐBQH La Ngọc Thoáng: “Thực tế cho thấy có rất nhiều quyền trực tiếp của dân như quyền được thông tin, quyền được tự do hội họp, quyền ngôn luận, biểu tình và các quyền dân chủ gián tiếp như quyền bãi nhiệm, bất tín nhiệm đã không được cụ thể hóa bằng các đạo luật kịp thời”. Và hay nhất, có lẽ là ở ý nghĩa của nó, khi việc phúc quyết Hiến pháp sẽ là một tiền lệ tốt đẹp để tất cả những dự án luật, tất cả các chính sách liên quan đến người dân cũng sẽ được lấy ý kiến của nhân dân.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, có lần than rằng cứ mỗi lần bộ này đề xuất chính sách hoặc ban hành chính sách là y như rằng dư luận phản ứng rất mạnh. Nói như Bộ trưởng là “những trận mưa đá dư luận”. Dù “nhiều chính sách là đúng đắn”.
Sẽ không nói về câu chuyện “đúng đắn” hay “không đúng đắn”, nhưng những chính sách của ngành GTVT nói riêng trong phạm trù chính sách nói chung đang thiếu điều mà chính Bộ trưởng Thăng cũng phải thừa nhận: Trước khi ban hành chưa có được một sự nghiên cứu, đánh giá đầy đủ phản ứng của xã hội.
Mô típ kinh điển đã được các vị ĐBQH nói liên quan đến trưng cầu dân ý là nếu như… thì đã. Nếu người dân Đồng Nai được lấy ý kiến, sẽ không có Thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Nếu người dân Quảng Nam được trưng cầu, thì đã không còn những trận động đất ở Sông Tranh.
Bộ trưởng Đinh La Thăng có thể tránh những cơn mưa đá dư luận, bằng cách “từ lâu không đọc báo”, như ông từng trả lời… báo chí. Hoặc tránh bằng một cách “đúng đắn” hơn như ông vừa làm: Ký thỏa thuận với Viện Khoa học xã hội Việt Nam để có những khảo sát, đánh giá, thăm dò dư luận trước khi mỗi chính sách được ban hành.
Đào Tuấn