“Gia đình tôi là nông dân nghèo, nhà lại đông anh em, ba mẹ suốt ngày quần quật, nhưng cuộc sống vẫn luôn túng quẫn, ăn bữa sáng lo bữa tối. Bước ngoặt thay đổi cuộc đời tôi là lúc tôi bén duyên với mô hình vườn ươm cây lâm nghiệp lúc còn phục vụ trong quân ngũ” - anh Phát tâm sự.
Anh Phát kiểm tra cây giống trong vườn ươm của mình. |
Thời điểm anh xuất ngũ, những năm 1989-1990, Đảng và Nhà nước có chính sách khuyến khích trồng rừng, phủ xanh đồi trọc, nhu cầu cây giống rất lớn. Anh thấy chọn con đường sản xuất cây giống là sống được. Tuy nhiên, lúc này trong tay anh lại không có tiền.
Để thực hiện con đường của mình, anh phải chạy vạy vay mượn khắp nơi được 5 triệu đồng. Anh vào TP. Hồ Chí Minh mua hạt và cây giống keo lai, bạch đàn, xà cừ… có nguồn gốc xuất xứ về ươm hơn 1ha. Thế nhưng, buổi ban đầu, kinh nghiệm còn non nớt, thời tiết lại khắc nghiệt, cây non chết hơn phân nửa, làm anh thâm hụt vốn.
Không nản, anh tiếp tục đi mua giống về ươm lại. Anh khắc phục các yếu tố bất lợi của thời tiết bằng cách sử dụng mái che, đèn chiếu sáng, và hệ thống phun nước tự động, nhằm giữ cho cây có độ ẩm tốt nhất để phát triển. Nhờ vậy cây phát triển tốt, khách hàng càng lúc càng nhiều. Năm 2010, anh quyết định ký hợp đồng thuê dài hạn 4ha đất để mở rộng diện tích vườn ươm. Hiện nay, tổng diện tích vườn ươm cây lâm nghiệp của anh là 5ha, với khoảng 100.000 cây, cứ 3 tháng anh xuất bán 1 lần. Mỗi năm anh thu lãi ròng trên 500 triệu đồng. Hiện gia đình anh thuộc loại khá giả của huyện Sơn Tịnh.
Không chỉ mang lại thu nhập cho bản thân, anh còn tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động địa phương, với thu nhập 2,5 triệu đồng/người/ tháng. Anh chia sẻ: Tôi rất vui khi nhìn những cây giống do mình ươm trồng góp phần tạo thu nhập cho bà con nghèo quê mình và phủ xanh những vùng đồi trọc, hoang hóa trước kia”.
Ngọc Viên