Dân Việt

Những người ở lại với thủ đô: Ký ức đau thương

05/12/2012 06:36 GMT+7
(Dân Việt) - Những ngày tháng 12 này, trong tim nhiều người Hà Nội, những ký ức về những ngày bom đạn cuối năm 1972 đang sống lại, bồi hồi, thương nhớ.

Khi đó, hàng chục vạn người đã phải sơ tán nhưng vẫn còn rất nhiều người ở lại, bám trụ với thủ đô...

Đêm Noel kinh hoàng

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà số 19 ngõ Sân Quần vào một ngày đầu tháng 12 tìm gặp ông. Những khoảng sáng, tối, đau đớn, tuyệt vọng… sau 40 năm dường như vẫn còn nguyên vẹn trong trên gương mặt già nua, khắc khổ của ông Nguyễn Văn Cầu (78 tuổi) - một trong những nhân chứng ở phố Khâm Thiên về sự kiện kinh hoàng cuối năm 1972.

img
Bệnh viện Bạch Mai tan tành sau trận oanh tạc thứ 2 của máy bay Mỹ.

“Nhà tôi lúc ấy có 4 đứa con, thằng con trai thứ 2 bị viêm màng não phải nằm một chỗ. Sáng 22.12.1972, tôi cho nhà tôi và các cháu về nhà ông chú ở quê sơ tán. Đến chiều 25 thì lại đón bà ấy với thằng con ốm về Hà Nội vì thấy bảo Noel, Mỹ không đánh nữa. Sáng 26 bà ấy đi làm, tôi ở nhà trông thằng con ốm. Tôi dặn vợ nhớ xuống hầm, đêm nay khả năng nó sẽ đánh Hà Nội.

Khoảng 11 giờ kém 15 phút ngày 26.12 thì bắt đầu báo động, còi rú lên... Ông Cầu được lệnh lên nhà 75 phố Hàng Bồ, nơi có hai phân xưởng in báo. Lên tới nơi, ông thấy súng bắn ầm ầm bốn phía, mùi thuốc súng sực nức... “Lúc báo yên rồi tôi xin phép về nhà xem thế nào. Về đến đầu Khâm Thiên thì thấy dây điện đứt, nhà cửa đổ vỡ. Tôi vào trong ngõ, thấy cả khu tan tành vì trúng bị bom rải. Trong ngõ có cái hầm trú ẩn tập thể to, trúng mấy quả bom 500kg nên tất cả chết chẳng toàn thây. 41 người chết, toàn hàng xóm người quen. Vợ tôi và thằng cháu thứ 2 mất cả. Nhà ông anh tôi mất một cậu con rể và cô con dâu. Tôi còn bị mất thằng em ruột nữa...” - ông Cầu nghẹn ngào.

Khi ấy ông Cầu điên cuồng đi tìm vợ, con trong đống đổ nát. “Bà ấy chỉ còn nửa người trên, thằng con chỉ còn mỗi cái chân. Tôi nhận ra được vì nó có cái sẹo bị bỏng ngày xưa. Thằng em chẳng thấy đâu. Tôi đau đớn nhặt nhạnh từng mảnh thân xác người thân cho vào túi nylon, đến ngày 27 thì có áo quan chuyển xuống, tôi đưa vợ con xuống Văn Điển an táng. Lúc bấy giờ tôi như người đã chết, đờ đẫn, thất thần. Lãnh đạo cho tôi về quê nghỉ ngơi...”- ông Cầu nhớ lại. Từ đó, ngày 26.12 dương lịch (21.11 âm lịch) hàng năm trở thành ngày giỗ chung của cả phố Khâm Thiên.

Tháo khớp người chết… cứu người sống

Ký ức về 12 ngày đêm kinh hoàng cuối năm 1972 với ông Nguyễn Bá Kinh (SN 1942) – bác sĩ khoa Ngoại Bệnh viện Bạch Mai lại là ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Ông Kinh kể: “Hôm ấy tôi trực, đến khoảng 4 giờ sáng Mỹ đánh rát quá tôi mới chạy xuống hầm phòng mổ bên cạnh hội trường A. Tất cả bệnh nhân, nhân viên khoa Ngoại tập trung ở dưới ấy hết. Xuống được độ 15 phút thì nghe trên đầu rung một cái. Khi báo yên, ra khỏi hầm thì thấy tan hoang hết rồi. Phòng tôi trực lúc trước không còn, trần sập từ trên khoa Nhi xuống, bàn ghế giường tủ bay hết, nếu tôi chậm 15 phút thì coi như tan xương nát thịt”.

Chỉ trong 12 ngày đêm (từ ngày 18.12 – 29.12.1972), Mỹ đã sử dụng 441 lần chiếc B52 cùng hàng ngàn lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 10.000 tấn bom xuống Hà Nội. Phố Khâm Thiên bị bom B52 tàn phá dài trên 1km, gần 2.000 ngôi nhà, trường học, trạm xá bị phá sập, 287 người chết, 290 người bị thương.

Khoảng trưa, anh Luân cùng làm ở khoa Ngoại đến gặp ông Kinh bảo: “Anh Đại nói chỗ sập bên Da liễu rất nhiều người chết, nhưng có người còn sống. Đội chống sập đào được thông vào đến nơi rồi, nhưng không làm sao đưa người ra được”.

Hệ thống hầm của Bệnh viện Bạch Mai đi không cần cúi đầu, thông từ khoa nọ đến khoa kia, hầm đó mà đã sập thì chắc chắn có người chết, có người bị kẹt. Giám đốc bệnh viện Đỗ Doãn Đại cũng đã chui xuống hầm và bảo:

“Luân, Kinh suy nghĩ làm sao xuống để đưa người ra được”. Ông Kinh bò vào trong, sờ thấy người cần cứu, cô này cứ gọi: “Các anh ơi, cứu em với”. Cô ấy là người nằm thứ 3 kể từ ngoài vào, 2 người kia chết rồi, không thể nào kéo cô ấy ra được vì vướng đủ mọi thứ đất đá, ngóc ngách, ánh sáng thì không có…

Cuối cùng 2 ông phải bò lên, xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện, ông Đại gợi ý tháo khớp của người chết nằm đầu tiên, buộc dây cho người bên ngoài kéo ra để lấy lối đưa người bị thương ra. Có nhẽ cũng vì trong chiến tranh nên mới có một quyết định như thế, nhanh chóng và dứt khoát. “Tôi với Luân thắp hương quỳ giữa đường, xin trời đất phù hộ để cho được làm việc ấy. Hai người thay nhau làm từ 3 – 4 giờ chiều đến 8 giờ tối mới xong…” - ông Kinh bồi hồi nhớ lại.

Bài 2: Đối mặt B52