Dân Việt

Khu chuyên canh bên suối K’tung

05/12/2012 16:47 GMT+7
(Dân Việt) - Khu chuyên canh của Trung đoàn 38 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) bên dòng suối K’tung, huyện Đăk Pơ, Gia Lai mới xây dựng hơn 1 năm mà nay đã định hình quy củ.

Không phải đến bây giờ Trung đoàn 38 mới có vườn chuyên canh. Trước đây, vườn được quy hoạch ở Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 6. Sau khi xây dựng cơ bản, khu vực này bị giải toả, trung đoàn phải bắt tay xây dựng lại từ đầu. Đất mới được chọn là khu đồi hoang rậm rạp cây dại rộng hơn 8.000m2, khá tách biệt với Trung đoàn bộ.

img
Thu hoạch bí ở khu chuyên canh.

Xe san ủi của Sư đoàn hỗ trợ giai đoạn đầu, còn phần lớn công sức lao động là của cán bộ chiến sĩ. 8 tháng ròng vừa khai phá, vừa cải tạo, bộ đội phải nhặt hết sỏi đá trên bề mặt rồi lấy đất mùn trong hồ, ven suối đổ lên, sau đó mua bã mía về ủ với phân chuồng, chôn sâu để đất tơi xốp từ gốc.

Qua bàn tay cần cù, khéo léo của chiến sĩ, vườn rau ngày càng xanh tốt với đủ loại từ rau thông thường đến cao cấp như cà chua, su hào, dưa leo, cà rốt… Rau nhiều bộ đội ăn không hết, phải chuyển cho các đơn vị bạn và bán ra thị trường.

Thiếu tá Lê Thái Sơn - Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn rất tâm đắc khi giới thiệu về khu chăn nuôi tập trung khá quy mô của các anh cách không xa vườn rau. Được Sư đoàn hỗ trợ 150 triệu đồng, cán bộ chiến sĩ tận dụng gạch, sắt thu gom từ doanh trại cũ để xây khu chế biến thức ăn, chuồng trại nuôi lợn với tổng số hơn 700 con. Nhờ thế mà vừa có thực phẩm dồi dào cho bộ đội, vừa bán ra thị trường mang lại nguồn thu đáng kể.

Nuôi gà thương phẩm không phải nơi nào cũng làm được, vậy mà Trung đoàn 38 nuôi được 2.000 con gà. Gà được chăm sóc kỹ lưỡng, 2-3 tháng là có thể xuất chuồng. Đến nay đơn vị đã xuất được 8 lứa và đang tiếp tục phát triển mô hình mới này.

Xác định “thực túc binh cường” nên các cán bộ, chiến sĩ đều rất nhiệt tình tăng gia. Thiếu úy Nguyễn Thành Vinh - nhân viên quân nhu Trung đoàn cho biết, anh và tiểu đội chiến sĩ ngày đêm bám khu tăng gia chăm sóc vườn rau và đàn gà, lợn và giờ đã được gọi là “lão nông”.