Cuối năm 2010, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa cá tra Việt Nam vào "danh sách đỏ" (sản phẩm không nên sử dụng) làm nghề nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long điêu đứng . Ngày 23.12, nỗi oan này đã được giải khi WWF đưa cá tra vào "danh sách xanh" (sản phẩm khuyến khích sử dụng).
Giải oan cá tra
Sự kiện cá tra Việt Nam (VN) bị liệt vào "danh sách đỏ" đã làm ảnh hưởng nặng nề đến nghề nuôi, chế biến cá tra ở VN. Sau đó, trước sự lên tiếng mạnh mẽ của VN, WWF đã miễn cưỡng rút cá tra khỏi danh sách này. Tuy nhiên, loại cá này chỉ thực sự được minh oan khi mới đây chính WWF đã đưa cá tra VN vào "danh sách xanh" nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng.
Với việc vào “danh sách xanh”, cơ hội khôi phục thị trường của người nuôi cá tra mở rộng. |
Ông Nguyễn Ngọc Hải - nuôi cá tra ở xã Thới An (quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) cho biết: "Nghe thông tin cá tra VN vào "danh sách xanh”, khuyến khích người tiêu dùng châu Âu sử dụng, bản thân người nuôi cá chúng tôi rất mừng. Bây giờ, giá cá tra rất thấp, người nuôi treo ao gần hết, nhưng trước thông tin này có thể là liều thuốc để kích thích tăng giá, giúp người nuôi có thể gượng dậy sau thời gian dài thua lỗ".
Hiện nay, ông Hải còn 4 ao cá tra với trọng lượng từ 200 - 500 gram/con. Ông đang hy vọng người tiêu dùng nước ngoài sử dụng sản phẩm cá tra VN nhiều hơn, từ đó kéo theo giá cá nguyên liệu tăng, người nuôi sẽ vượt qua khó khăn.
Riêng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng tỏ ra lạc quan trước thông tin cá tra VN được vào "danh sách xanh". Ông Mai Đăng Hòa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn - Mekong (Trà Vinh) cho rằng: "Tình hình xuất khẩu cá tra của VN khá ảm đạm. Thông tin cá tra Việt Nam vào “danh sách xanh” có tác động tích cực, tạo niềm tin chút ít cho các doanh nghiệp". Nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra cũng cho rằng, chính việc WWF đưa cá tra VN vào "danh sách xanh" đã khẳng định được chất lượng của cá tra.
Sẽ phát triển bền vững
Để tạo niềm tin cho khách hàng cũng như giữ được vị trí trong "danh sách xanh", nhiều DN và người dân ở ĐBSCL đã tất bật chuẩn bị tốt các phương án chăn nuôi sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn của khách hàng. Trong đó, Công ty Thủy sản Gò Đàng ở Tiền Giang đầu đầu tư vùng nuôi 150ha, trong đó 20ha đạt tiêu chuẩn Global GAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu).
Ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Gò Đàng cho biết: "Vùng nuôi của công ty đáp ứng khoảng 90% nhu cầu chế biến, xuất khẩu. Cùng với việc vào "danh sách xanh", cá tra sẽ mở rộng thêm các thị trường". Ngoài ra, nhiều công ty khác như: Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (Tiền Giang), Công ty Thủy sản Hiệp Thanh (TP. Cần Thơ), Công ty TNHH Thủy sản Sài Gòn - Mekong (Trà Vinh)… đều có vùng nuôi đạt tiêu chuẩn Global GAP.
Từ tháng 7.2010, Công ty TNHH Sài Gòn - Mekong được công nhận chứng chỉ Global GAP với 15ha ao nuôi của công ty ở Trà Vinh. Theo đó, vùng nuôi được quy hoạch, xây dựng bài bản, có khu xử lý nước thải riêng biệt. Vùng nuôi được quản lý chặt chẽ từ con giống, thức ăn, xử lý môi trường để đảm bảo đạt tiêu chuẩn Global GAP.
Ông Mai Đăng Hòa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn - Mekong cho biết: "Vùng nuôi đạt tiêu chuẩn Global GAP, giúp công ty chế biến phẩm cá tra sạch, đảm bảo đạt tiêu xuất xuất khẩu vào thị trường châu Âu và Mỹ”. Đây là hướng đi chiến lược để sản xuất cá tra sạch đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường khó tính.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian qua nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL thay đổi tích cực; người nuôi đã liên kết với doanh nghiệp để nuôi theo "đơn đặt hàng", đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế.
Đến nay, đã có 20 doanh nghiệp và 40 vùng nuôi cá tra được cấp chứng nhận Global GAP, nhiều doanh nghiệp khác tiếp tục triển khai. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 100% vùng nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn Global GAP.
Giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đang rơi xuống tận đáy, nông dân đang thua lỗ triền miên. Tuy nhiên, cá tra VN được vào "danh sách xanh" có thể tạo tiền đề cho nghề cá VN phát triển theo hướng bền vững trong tương lai.
Hoàng Mai