Hàng chợ tăng theo giá xăng
Khảo sát của chúng tôi trong ngày hôm qua (30.3), tại một số chợ lớn ở Hà Nội như Ngọc Hà, Thành Công, thậm chí cả một số chợ cóc ở phố Vũ Thạnh, Hào Nam... cho thấy, giá cả nhiều mặt hàng như thực phẩm, rau củ đều đã nhích tăng.
Cước vận tải sẽ tiếp tục đè nặng lên vai người tiêu dùng |
Thịt bò thăn lên 19.000-20.000 đồng/lạng, thịt lợn thăn 10.000-10.500 đồng/lạng... Các loại rau muống, rau cải, rau cần... đều tăng từ 500-1.000 đồng/mớ. Một bìa đậu phụ vuông trước giá chỉ 1.500 đồng thì nay cũng lên 2.000-2.500 đồng/bìa...
Giá cả tại các siêu thị sau khi giá xăng tăng đã có phần tĩnh lặng hơn. Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc BigC cho biết, việc tăng giá xăng dầu sẽ chỉ ảnh hưởng hạn chế tới giá hàng hóa nói chung vì nhiên liệu chỉ chiếm 5-7% của đa số các ngành sản xuất; còn lại là chi phí nguyên vật liệu, nhân công, khấu hao...; nếu tính tổng giá thành sản phẩm thì chỉ còn 1-2% mà thôi.
Do vậy, tạm thời siêu thị chưa điều chỉnh ngay giá các mặt hàng. Nhưng thời gian tới, theo ông Dũng cũng khó tránh khỏi tăng giá bởi chi phí vận tải tăng và các nhà cung cấp tăng giá thì buộc siêu thị cũng phải tăng giá lên.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng nhận định rằng, tới đây giá cả các mặt hàng cũng sẽ tăng nhưng tăng ở mức nào cho hợp lý thì đang rất cần các cơ quan quản lý về giá của Bộ Tài chính giám sát. Hiện các siêu thị đều có hàng dự trữ từ trước, với độ trễ 15-20 ngày nên không thể nói tăng giá xăng là tăng giá hàng hóa khác ngay, nhưng lâu dài giá cả các mặt hàng sẽ điều chỉnh tăng lên vì đầu vào tăng và giá thế giới tăng...
Giá cước vận tải sắp lên
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, giá xăng đã tăng thêm 10% so với giá cũ, dầu diesel tăng 15%. Điều này làm cho chi phí vận tải tăng 5% đối với xe chạy xăng và 7% đối với xe chạy dầu. “Dù không muốn nhưng đợt tăng giá xăng dầu này cũng sẽ vượt sức chịu đựng của doanh nghiệp vận tải” – ông Hùng nói.
Hiệp hội này đã ngay lập tức có công văn gửi các doanh nghiệp thành viên để định hướng cách ứng phó với tình hình. Công văn đề nghị các doanh nghiệp chưa kịp tăng giá sau đợt tăng giá xăng dầu hôm 24.2 thì cộng với đợt này để lên phương án giá mới. Các doanh nghiệp đã tăng giá thì phải hết sức cẩn trọng.
Hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp rằng, tình hình giá xăng dầu trong thời gian tới sẽ tiếp tục biến động nên doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược tiết kiệm xăng; trong đó việc quan trọng nhất là tổ chức lại vận tải để nâng cao hiệu suất chở khách, chở hàng tránh việc chạy xe không, trống khách.
Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết: “Chúng tôi cũng chưa biết xoay sở thế nào. Không tăng giá thì doanh nghiệp khó trụ nổi. Nếu tăng thì không biết hành khách sẽ phản ứng ra sao vì giá cước cũng mới tăng”.
Theo tính toán của ông Bình, một doanh nghiệp có khoảng 100-200 xe taxi, giá xăng tăng đợt này này sẽ làm chi phí vận tải đội thêm khoảng 200 -250 triệu đồng/ngày. Trước đó, sau ngày 24.2 vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp taxi ở Hà Nội đã tăng khoảng 1.000 - 1.500 đồng/km.
Mức tăng quá giật cục
Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh (Trung tâm Nghiên cứu kinh tế chính sách, ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Nếu như giá cả thế giới tăng và ngoài sức chịu đựng của doanh nghiệp thì doanh nghiệp tăng để tiệm cận với giá thế giới là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, mức tăng 2.000 đồng/lít xăng, dầu là quá “giật cục”. Việc tăng giá đối với một mặt hàng thiết yếu quá cao nhất định sẽ có ảnh hưởng lan truyền tới tất cả. Nếu như mỗi lần tăng nhỏ giọt chỉ 300- 500 đồng/lít xăng thì sẽ tránh được “tâm lý lan toả”.
Theo ông Minh, cách đây 1 tháng, mức tăng là 2.900 đồng/lít, doanh nghiệp kêu lỗ. Rồi Bộ Tài chính lại cho tăng thêm 2.000 đồng/lít nữa. Giá xăng đang tăng nhanh, mạnh. Mặc dù vậy, doanh nghiệp vẫn kêu lỗ, thậm chí thấp hơn các nước láng giềng, nhiều khả năng là vẫn còn tiếp tục có những lần tăng giá.
Để tránh tác động xấu từ việc tăng giá xăng biện pháp cần thiết trong thời gian từ nay đến cuối năm công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường, gắn với kiểm soát, giảm thiểu tác động của việc thực hiện cơ chế giá thị trường.
Hơn nữa, các cơ quan chức năng muốn an dân thì phải tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn giá: Đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa dịch vụ, tăng cường các giải pháp tài chính tiền tệ; áp dụng các biện pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất và giá thành như tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, về thủ tục hành chính; rà soát bãi bỏ các khoản chi phí, lệ phí bất hợp lý; tiếp tục hỗ trợ vốn, lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần lớn, tham gia dự trữ hàng hóa để bình ổn thị trường...
Mai Hương - Hương Thuỷ - Sỹ Lực
Nông dân Nguyễn Hữu Cảnh (Điện Bàn, Quảng Nam): Có lẽ phải bỏ máy cày
Tôi được vay vốn ưu đãi để mua máy cày. Nhờ có máy tôi đi cày thuê được mấy vụ cũng có dư chút ít. Thế nhưng từ khi dầu lên 18.300 đồng/lít (tháng 2.2011), thì thu nhập của tôi đã tụt giảm rất nhiều. Đến ngày 29.3, giá dầu lại tăng lên 21.100 đồng. Giá xăng dầu "phi nước đại" kiểu này thì thật khó công nghiệp hóa nông nghiệp. Tôi và nhiều nông dân có thể phải bỏ máy cày mà quay lại dùng trâu cày.
Ngư dân Trần Minh Công (Sơn Trà, Đà Nẵng): Ngư dân khó bám biển
Cách đây gần 1 tháng, dầu tăng lên 18.300 đồng/lít, ngư dân tụi tôi đã lo lắng rồi. Một số người đã phải tạm ngừng ra biển, đi làm nghề khác chờ giá cả bình ổn trở lại. Bây giờ giá dầu không những "quay lại" mà còn "chạy tới", quá sức chịu đựng của ngư dân. Chi phí tiền dầu một chuyến biển sẽ đội lên cả chục triệu đồng. Trong khi sản lượng đánh bắt không đổi, giá cá bán ra không tăng. Ở Thọ Quang, tôi thuộc loại "lỳ" nhất, dầu tăng mấy lần vẫn cho tàu ra khơi, nhưng lần này thì chắc "đắp chiếu" tàu thôi.
Vũ Vân Anh (ghi)