Ông Hồ Ngọc Loan, Phó Tổng GĐ Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT - đại diện chủ đầu tư dự án) cho biết vào sáng 30.3.
Đã lường trước sự cố "xẻ rãnh" trên Đại lộ Thăng Long
Dù mới thông xe từ đầu tháng 10.2010 nhưng tại mặt đường Đại lộ Thăng Long đã xuất hiện những vết vá nham nhở, ổ gà xuất hiện trên nền đường, thậm chí có đoạn còn nứt tạo thành "rãnh" có độ sâu đến vài chục phân.
Những vệt nứt dài cắt ngang Đại lộ Thăng Long. |
Tuy nhiên, ông Hồ Ngọc Loan cho biết ông không ngạc nhiên về những sự cố này. Bộ GTVT và Ban quản lý cũng đã lường trước được. Cụ thể, việc mặt đường bị lún, nứt đơn vị quản lý đã biết được từ đầu tháng 3.
Đánh giá về nguyên nhân lún, nứt trên mặt Đại lộ Thăng Long, ông Loan cho biết:
"Do nền đất yếu, nên sự co dãn, trồi sụt không đều giữa phần đường và phần cầu. Cũng có thể do thi công không đảm bảo, đơn vị thi công hạn chế về kinh nghiệm xây dựng công trình giao thông (đơn vị thi công là Vinaconex – PV)”.
"Ngoài ra, do vấn đề kinh tế, nên phải chọn công nghệ chống lún tương đối, còn nếu chọn công nghệ chống lún tuyệt đối thì rất tốn kém, cũng không loại trừ khả năng là do xe quá tải", ông Loan nói.
Đại lộ đang trong thời gian "bảo hành"
Cũng theo đại diện chủ đầu tư, hiện nay các điểm lún, nứt đang được nhà thầu thi công sửa chữa, nâng nền để đảm bảo an toàn giao thông.
Những vết nứt to cắt ngang mặt đường, và sâu vài chục cm |
“Hiện nay công trình vẫn đang trong thời gian bảo hành, nên những hư hỏng nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm khắc phục”, ông Loan cho biết thêm.
Đồng thời, nhà thầu và đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục quan trắc, theo dõi những sự cố phát sinh trên đường, tiến hành bù lún khi cần thiết để tạo phẳng đúng cao độ.
Theo ông Loan, thời gian theo dõi lún và bù lún chưa thể nói trước, có thể là 6 tháng, cũng có thể kéo dài 1 năm… Khi nào hiện tượng lún không còn mới tiếp tục thi công lớp nhựa trên cùng để tạo nhám.