Phóng viên NTNN đã trò chuyện với nhà biên kịch Đoàn Tuấn (ảnh), tác giả kịch bản của bộ phim.
“Sống cùng lịch sử” kể chuyện một nhóm thanh niên thời thượng đi “phượt” ở Điện Biên Phủ, họ bỗng “lạc” vào thời gian của 60 năm trước. Họ đã được trải nghiệm, được tham gia và chia sẻ với cuộc chiến đấu hào hùng và bi tráng của dân tộc ta. Ông có thể nói gì về thông điệp bộ phim muốn gửi tới người xem?- Chúng tôi muốn thể hiện sự nhìn nhận của thế hệ trẻ hôm nay với lịch sử oai hùng của cha ông thông qua thủ pháp điện ảnh: Quá khứ và hiện tại xen kẽ lẫn nhau. Những thanh niên đang sống giữa thủ đô, được trang bị đầy đủ IPad, IPhone... bỗng chốc đi vào trận đánh cách đây 60 năm. Với mỗi suy nghĩ của từng người về quá khứ, họ đã tham gia vào trận đánh theo “kiểu” người của họ. Và đã có sự chuyển biến về cách nhìn nhận lịch sử của những người trẻ tuổi này, khi bắt đầu tham gia chiến dịch cho tới khi kết thúc thì họ đã trở thành những người khác.
Cảnh trong phim “Sống cùng lịch sử”.
Dường như “cuộc chiến” trong mơ, sự tiếp xúc với những người lính, với dân công, sự gian khổ đã giáo dục họ. Làm cho họ nghiêm túc hơn, nhân ái hơn và có trách nhiệm hơn với công lao của thế hệ đi trước. Cuối phim thì những chàng trai cô gái thời @ đã khóc vì sự lớn lao vĩ đại của cuộc chiến – và ngoài đời thì các diễn viên cũng đã thực sự rơi lệ khi họ hóa thân vào vai diễn, xúc động vì âm hưởng bi tráng của quá khứ.
So với những phim về Điện Biên Phủ trước đây, bộ phim này có đặt ra vấn đề gì mới?- Như chúng ta đã biết trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử đã có sự tham gia to lớn của những người dân Thái. Họ đã có mặt trong đoàn dân công, tải đạn, tải thương… Thậm chí khi bộ đội hết gạo, có những bản làng Thái đã nhịn đói để đóng góp gạo cho bộ đội nuôi quân. Trong phim đã có nhiều cảnh các cô gái Thái trong trang phục dân tộc đi phục vụ chiến dịch. Hình ảnh những cô gái Thái địu gạo, đẩy xe thồ trong đoàn người dân công làm bộ phim đẹp lên như huyền thoại.
Thứ hai là lịch sử đã nói nhiều về vai trò của Tướng Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng hình ảnh của ông trong các phim ảnh về Điện Biên Phủ thì còn hiếm. Lần này vai diễn về Đại tướng trong một trường đoạn khá lâu, cảnh Đại tướng cưỡi ngựa đi chiến dịch, thăm thương binh, kiểm tra đôn đốc công sự pháo… Hình ảnh chiến đấu xúc động của các Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Dàn, Phan Đình Giót… cũng được tái hiện lại trong phim.
Cảnh kết của bộ phim theo cảm nhận của tôi là rất cảm động. Bên hàng nghìn bia mộ không tên, lờ mờ sương khói dáng hình của hàng nghìn chiến sĩ trẻ đã hy sinh. Trong tiếng cười khúc khích, tiếng nói chuyện lao xao, họ vẫn vui vẻ hồn nhiên và thậm chí một “vong chiến sĩ” còn ngửa cổ rít một hơi thuốc lào sòng sọc. Có phải ý tưởng của kịch bản là những người lính ấy đã không chết mà “mãi mãi tuổi 20”?
Phim “Sống cùng lịch sử” có kinh phí 22 tỷ đồng, do NSND Nguyễn Thanh Vân đạo diễn. Đây là một trong những bộ phim được chiếu miễn phí cho đoàn viên thanh niên cả nước trong Tuần phim Ký ức Điện Biên.
|
- Vâng, đó là một đoạn rất hay. Những liệt sĩ không bao giờ chết mà họ vẫn ở đâu đó rất gần chúng ta. Sự hy sinh của họ không hề bi lụy. Sở dĩ có chi tiết “hút thuốc lào” bởi tôi được biết các chiến sĩ ở Điện Biên có một thú vui “hưởng lạc” là chia nhau gói thuốc lào. Quà của thượng cấp khi xuống thăm anh em cũng là gói thuốc lào. Còn gì sung sướng hơn khi ở trong chiến hào lầy lội, giữa giờ ngừng bắn, người lính trẻ ngửa mặt lên trời xanh rít một hơi dài tưởng chừng vô tận... Tôi nghĩ đó sẽ là cảnh ấn tượng.
Đối tượng khán giả mà bộ phim muốn hướng tới không chỉ là những người đã sống cùng sự kiện lịch sử này mà chính là thế hệ trẻ. Là biên kịch phim, ông muốn nhắn gửi điều gì tới họ?- Cái chúng tôi muốn hướng tới là sự “chạm tay vào lịch sử”. Trước kia chúng ta chỉ nhìn, ngắm, đọc và nghiên cứu, nhưng lần này trong bộ phim chúng tôi đã để thế hệ trẻ hôm nay được trực tiếp tham gia vào lịch sử. Từ 3 thanh niên thời @, họ bỗng hòa mình vào đoàn quân của cha ông cách đây 60 năm, cùng gian khổ, cùng chia sẻ, nhìn thấy những sự hy sinh vô bờ bến của thế hệ trước và mỗi người với tính cách riêng của mình đã có hành động khác nhau khi “tham gia” chiến dịch lịch sử. Đó là điều sẽ có tác động đến suy nghĩ, cảm xúc của họ.
Xin cảm ơn ông!