Thuế cao… ép bán mủ giá rẻ
Người dân trồng cao su ở huyện Ngọc Lặc phản ánh, cứ đến vụ thu hoạch mủ là họ lại đối mặt với vấn đề đầu ra, bởi Công ty Lam Sơn luôn ép họ bán mủ với giá rẻ. Nếu hộ nào không bán họ “xử” bằng cách phạt tiền, rồi trừ các khoản thưởng hàng năm.
Ngôi nhà bỏ không của chị Trương Thị Hà. |
Theo tính toán của chị Lê Thị Lan - một người trồng cao su ở đội 10, xã Minh Tiến, cứ 10kg mủ tươi người dân thiệt khoảng 60 – 70 nghìn đồng so với giá thị trường. “Vì thấy Công ty thu mua với giá quá thấp, nhiều hộ kiên quyết không bán cho Công ty Lam Sơn. Nhưng họ vẫn không tăng giá, mà còn cho đội bảo vệ của Công ty xuống vườn cao su đổ mủ, thu bát của các hộ dân, nên đã xảy ra xô xát!”- chị Lan cho biết.
Lý giải về việc Công ty Lam Sơn thu mua thấp hơn giá thị trường, ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Công ty Lam Sơn cho rằng, vì họ phải bỏ vốn đầu tư cây giống, phân bón và kỹ thuật, còn thương lái họ không phải bỏ ra đồng tiền nào. Vả lại Công ty mua thấp hơn là để “trợ giá” cho những lúc cao su ế, rớt giá.
Tại khoản 6, Điều 3, “Hợp đồng kinh tế giao nhận đất khoanh trồng và kinh doanh cây cao su” có ghi: “Vào vụ thu hoạch, người nông dân cùng với nông trường (Công ty Lam Sơn) xác định giá bán hợp lý, nếu 2 bên không đi đến nhất trí, thì người dân có quyền bán mủ cho nơi khác theo giá thoả thuận, nhưng với điều kiện bắt buộc là phải hoàn lại vốn cho Nhà nước và các khoản phải nộp cho nông trường như thuế đất, bảo hiểm xã hội, quản lý xí nghiệp bằng tiền mặt đủ 100% chỉ tiêu phân bổ hàng năm”.
Tuy nhiên, nhiều hộ dân mặc dù đã đóng đủ các khoản theo hợp đồng, nhưng Công ty vẫn không cho bán mủ ra ngoài.
Theo phản ánh của nông dân xã Minh Tiến, Minh Sơn, Lam Sơn, họ không chỉ bị thiệt thòi từ việc Công ty Lam Sơn mua mủ giá rẻ, mà họ còn phải oằn lưng gánh những khoản phí lạ do Công ty này đặt ra, như: Phí bảo vệ, phí vận chuyển, quản lý phí… Trong đó, khoản quản lý phí là nặng nhất.
Bà Ngô Thị Nam, thôn 5, xã Lam Sơn nhẩm tính: “Với 4ha cao su, tổng cộng các khoản phí gia đình tôi phải đóng cả chục triệu đồng/năm. Năm 2008, gia đình tôi nộp 28 triệu đồng, năm 2009 nộp 24 triệu đồng, năm 2010 khoảng 26 triệu đồng”.
Ông Bùi Trung Anh – Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: “UBND huyện cũng đã báo cáo về tỉnh, vì Công ty Lam Sơn là do tỉnh quản lý, còn các khoản phí là do Công ty này tự quy định. Chúng tôi đành phải chờ tỉnh giải quyết, chứ như thế này bà con thiệt thòi quá!”.
Luẩn quẩn trong nghèo đói
Ông Nguyễn Minh Quyền – Chủ tịch UBND xã Minh Tiến cho biết: Xã có 428ha đất lâm nghiệp, 240ha đất nông nghiệp, đa phần chỉ cấy một vụ do không có nguồn nước. Xã có gần 1.800 hộ, thì hộ nghèo chiếm tới 54%, trong đó có những thôn đặc biệt khó khăn như thôn Thành Phong, thôn 10…
Gia đình anh Nguyễn Văn Hạnh, ở thôn 10, có 3 đứa con, thì mất 2 đứa khuyết tật, không một tấc đất cấy lúa, cả gia đình chỉ trông vào hơn 1ha cao su. Mặc dù là công nhân cao su, nhưng anh không có lương mà chỉ được đóng BHXH. Do cao su ít mủ, tháng nào, năm nào anh cũng thiếu sản. Vừa qua anh được vay 10 triệu đồng diện hộ nghèo để chăn nuôi, nhưng khổ nỗi ở đây nguồn nước khan hiếm, vào mùa khô cả thôn đều phải đi mua nước tới 5 – 6 tháng/năm, giá 30.000 đồng/phuy 200 lít, nên anh chỉ dám nuôi vài chục con gà và 1 con bò.
“Tôi làm công nhân cao su hơn 20 năm nay, nhưng vẫn chưa có được cái nhà để ở. Giờ muốn xin cho đứa lớn vào công nhân, nhưng Công ty Lam Sơn bắt phải sang tên “chủ sử dụng đất” cho con và chờ khi tôi về hưu mới được vào”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần công nhân cao su ở Công ty Lam Sơn đều có cuộc sống rất khó khăn. Con em không được học hành đến nơi đến chốn, nên phần thì “nối nghiệp” cha mẹ vào công nhân, phần thì bỏ làng tứ xứ làm thuê. “Đất cày cấy không có, cao su thì không mủ, lại phải gánh “tô cao, thuế nặng”, nếu cứ đà này, chắc vài năm nữa những công nhân cao su chúng tôi đều biến thành hộ nghèo cả” – chị Đoàn Thị Oanh (thôn 10, xã Minh Tiến) tiên đoán cho tương lai… nghèo đói của mình.
Tiếp xúc, tận mắt chứng kiến những công nhân cao su nơi đây “vùng vẫy” mà không sao thoát khỏi cái “vòng kim cô” nghèo đói, chúng tôi phần nào hiểu được sự lo lắng của chị Oanh. Liệu có một “kế sách” nào, giúp họ thoát ra khỏi “vòng kim cô” này không?!
Việt Tùng - Minh Tâm