Nhiều băn khoăn, lo ngạiTheo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), từ năm 2016 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu nữ đối với cán bộ, công chức, viên chức (nữ từ 55 lên 60 tuổi và nam từ 60 lên 62 tuổi); từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại. Về vấn đề này, đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) chất vấn:
“Tôi đã từng nghe nói năm 2030 Quỹ BHXH sẽ vỡ quỹ, rất nguy hiểm nếu không tăng tuổi nghỉ hưu. Nhưng liệu tăng tuổi nghỉ hưu có phù hợp với Bộ luật Lao động hiện hành hay không, trong khi lao động các ngành nghề dệt may, thủy sản… về hưu trở thành mơ ước của NLĐ”. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu ý kiến: “Ban soạn thảo có đánh giá tác động tăng tuổi nghỉ hưu thì dư luận xã hội thế nào? Phản ứng của dư luận xã hội đã tính đến chưa?”.
Theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ được nâng lên: Nữ 60 và nam 62 (ảnh minh họa).
Cũng băn khoăn về vấn đề này, đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) thì nêu, theo dự thảo từ năm 2016, người lao động đóng bảo hiểm 20 năm sẽ được hưởng tương ứng 45% mức bình quân lương tháng. Đối với công chức có thể 60-62 tuổi là được rồi, nhưng nhóm các đối tượng khác, từ 2020 trở đi sẽ tăng thêm 4 tháng. Tôi rất băn khoăn nếu đối tượng lao động, nhất là ở khu vực độc hại, nếu làm không đủ năm, tiền lương sẽ bị trừ tương ứng 2%/năm thì cuộc sống của họ sẽ như thế nào?”
Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) phân tích: “Theo lộ trình đóng BHXH 20 năm được hưởng 45%. Một người 50 tuổi, 20 năm đóng bảo hiểm, họ nghỉ hưu sớm 10 năm bị trừ 20%. Nghĩa là sau 20 năm đóng BH, họ chỉ được nhận 25% lương. Vậy họ sống kiểu gì?”. Theo các đại biểu cần cân nhắc kỹ lưỡng tăng tuổi hưu để làm sao vừa phù hợp với Bộ luật Lao động vừa đảm bảo sức khỏe của người lao động. Một số ý kiến cho rằng, cần có lộ trình tăng tuổi hưu, không nên quy định cứng nhắc.
Khó vẫn phải làmTrước những băn khoăn của các đại biểu, bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH thừa nhận, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu như trong dự thảo trái Điều 187 Bộ luật Lao động (nam nghỉ hưu khi 60 tuổi, nữ 55). Theo bà Chuyền, nếu được thông qua độ tuổi nghỉ hưu như dự thảo thì đương nhiên sẽ phải sửa các quy định trong Bộ luật Lao động. “Sửa Bộ luật Lao động hay sửa Luật này đều phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Mục tiêu kéo dài để cân đối quỹ, không có động cơ nào khác” - bà Chuyền phân trần và nói thêm: “Với lộ trình sau 2020 các đối tượng còn lại có áp dụng việc tăng tuổi nghỉ hưu hay không thì mới là đề xuất, còn quyết định vẫn là ở Quốc hội”..
"Tôi đã từng nghe nói năm 2030 Quỹ BHXH sẽ vỡ quỹ, rất nguy hiểm nếu không sửa luật. Nhưng liệu tăng tuổi nghỉ hưu có phù hợp với Bộ luật Lao động hiện hành hay không, trong khi các ngành nghề dệt may, thủy sản …về hưu trở thành mơ ước của NLĐ” Đại biểu Đặng Ngọc Tùng
|
Ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết thêm, trước đây chúng ta chọn mô hình đóng bảo hiểm ít, hưởng nhiều (mức lương hưu nhận là 75% so với lúc làm việc). Có lẽ đây là mức cao nhất thế giới, không có nước nào hưởng nhiều như nước ta. Bây giờ ta chọn phương án điều chỉnh dần”.
“Biết là điều chỉnh khó nhưng vẫn phải làm vì an sinh cho người lao động. Tuy nhiên, cần phải tính toán cân nhắc các yếu tố, việc làm, thị trường lao động, sức khỏe, nhất là lộ trình tăng tuổi hưu với LĐ trực tiếp đều phải tính, tăng tất cả lên 60 hay tăng dần đến 57-58 tuổi”- ông Huân nói.
Với dự thảo Luật BHXH, theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội tạo sự đồng thuận không dễ. Tuy nhiên phải tính đến mục tiêu của Luật này là mở rộng chính sách an sinh xã hội. “Tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những giải pháp tăng tiền cho quỹ nhưng nếu làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, tăng chế tài thì mỗi năm có vài chục ngàn tỷ đồng bổ sung cho quỹ. Dù vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng cần phải cân nhắc, trước mắt, có thể tăng tuổi hưu nên đi theo từng đối tượng, chức vụ, có thể tăng một số nhóm trước”.