Điển sàn hay không điểm sàn?Theo dự thảo này, điểm sàn bản chất sẽ không bị “xóa sổ” như công bố gần đây của Bộ, mà chỉ thay đổi tên gọi. Bộ vẫn xây dựng một “Hội đồng xác định điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào” thay thế cho cụm từ “Hội đồng điểm sàn”. Hội đồng này sẽ tham mưu cho Bộ công bố một số mức (từ 3 – 4 mức) điểm xét tuyển cơ bản tính theo tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số cho từng khối thi. Cách làm này không khác với cách xác định điểm sàn cũ.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc nhiều mức sàn, nhiều phổ điểm chỉ làm cho việc xét tuyển thêm rối rắm.
Cũng theo dự thảo, các trường sẽ tự quyết định và công bố công khai một môn thi chính theo khối thi được nhân hệ số trước ngày 20.5 hàng năm để lấy điểm chuẩn xét tuyển vào trường và vào ngành. Quy định là mức điểm trung bình 4 môn chia cho 4 không được thấp hơn mức điểm tối thiểu xét tuyển vào ĐH hoặc CĐ theo quy định của Bộ đã công bố trước đó.
Bộ cũng cho rằng, sự khác biệt của quy định xét tuyển này với điểm sàn trước đây là việc phân chia phổ điểm thành nhiều mức theo tỷ lệ thí sinh đạt yêu cầu để các trường tự quyết định chọn điểm xét tuyển; thứ hai, đưa ra nguyên tắc để các trường tùy theo yêu cầu của từng ngành nghề đào tạo mà quy định điểm chuẩn xét tuyển có tính hệ số môn chính, giúp các trường có cơ hội tuyển được thí sinh có năng lực phù hợp.
Sau khi xem qua dự thảo, nhiều giáo viên, học sinh tỏ ra bối rối và khá hoang mang. Cô Nguyễn Thị Hương – giáo viên Trường THPT bán công Tiền Hải (Thái Bình) cho biết: “Quy định về xét tuyển khá rối, nhiều học sinh hỏi tôi như vậy có phải là mỗi ngành của mỗi trường sẽ có mức điểm sàn khác nhau? Nếu là như vậy thì nhiều trường đã từng làm rồi”.
Em Phạm Phương Trà – học sinh Trường THPT Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) thì băn khoăn: “Bây giờ ngoài việc theo dõi trường nào thi riêng, thi chung, còn phải theo dõi thêm ngành đó có môn gì nhân hệ số để lựa chọn thì phức tạp quá. Trong khi đó, hồ sơ thi ĐH chúng em đã hoàn thành xong rồi, nếu đến 20.5 các trường thay đổi việc chọn ngành nhân hệ số 2 thì sẽ thiệt thòi cho nhiều học sinh”.
Xét tuyển sẽ thêm rối Lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ cũng cho rằng, việc nhiều mức sàn, nhiều phổ điểm sẽ làm cho việc xét tuyển thêm rối rắm mà cơ bản thì mọi việc… vẫn thế.
Một chuyên gia giáo dục phân tích: “Mức điểm tối thiểu là mức thấp nhất để có cơ hội vào ĐH, đó thực chất là điểm sàn, việc nhân hệ số 2 cho môn ưu tiên thì nhiều trường đã làm nhiều năm nay, không có gì mới”.không có gì
|
PGS-TS Lê Hữu Lập – Phó Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cho rằng: Đổi mới này chỉ có lợi cho các trường top dưới mà không ảnh hưởng gì đến các trường có điểm trúng tuyển hàng năm lớn hơn sàn.
“Quan trọng là mức điểm cơ bản thấp nhất được lấy trên tiêu chí nào, nếu cũng giống như các năm trước thì kéo theo chất lượng đầu vào thấp xuống thôi”– ông Lập nói.
Cũng theo ông Lập, Bộ cho rằng đưa ra nhiều mức điểm cơ bản là giúp phân tầng ĐH, như vậy là chưa đúng, việc phân tầng phải dựa trên các tiêu chí kiểm định chất lượng chứ không phải là việc chọn phổ điểm phù hợp. Ngoài ra, việc nhân hệ số 2 với môn ưu tiên chỉ nên áp dụng theo nhu cầu của từng trường vì một khối thi xét cho nhiều ngành, một ngành tuyển nhiều khối, thêm điểm ưu tiên môn sẽ làm phức tạp hóa khâu quản lý.