Dân Việt

'Vụ bắt 100 đô, niêm phong cả triệu đô' dưới góc nhìn luật sư

Thanh niên 27/04/2014 09:42 GMT+7
"Việc cơ quan chức năng lục lọi trong các tủ, thu giữ tất cả số ngoại tệ mà tiệm vàng có là không đúng, vì nguồn gốc của số ngoại tệ này không phải tất cả đều vi phạm" - luật sư phân tích về vụ bắt 100$, tạm giữ cả triệu đô ở TP HCM.
Như đã thông tin, trưa 24.4, một thanh niên vào tiệm vàng Hoàng Mai đổi 100 USD ra tiền Việt. Sau khi người này rời khỏi tiệm vàng, Công an quận Bình Thạnh lập biên bản khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với tiệm vàng Hoàng Mai từ khoảng 12h30 đến 21h30 cùng ngày, thu giữ 15.000 USD, 2.300 baht Thái Lan và 559 lượng vàng SJC.

Hiện số ngoại tệ này đang được cơ quan chức năng tạm giữ, số vàng thì được niêm phong để ở tiệm xử lý sau. Cơ quan điều tra Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) đang tiếp tục xem xét xử lý vi phạm về hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép đối với bà Nguyễn Thị Thanh Mai - chủ tiệm vàng Hoàng Mai (số 384 Bùi Hữu Nghĩa, phường 2, quận Bình Thạnh).

Không giao quyết định khám xét cho đương sự là sai

Theo tìm hiểu của phóng viên, tiệm vàng Hoàng Mai kinh doanh vàng nhiều năm nay. Theo trình bày của bà Mai, số tiền ngoại tệ công an thu giữ là do khám xét từ trong các tủ của gia đình, không phải là ngoại tệ do mua bán. Nguồn gốc của số ngoại tệ là của các con của bà cho. Phía cơ quan chức năng chỉ giao cho bà biên bản khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Tiệm vàng Hoàng Mai - Ảnh: Công Nguyên
Tiệm vàng Hoàng Mai. Ảnh: Công Nguyên

Theo biên bản này, cơ quan chức năng thi hành quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Nguyễn Thị Thu Hà ký ngày 23.4. Tuy nhiên, quyết định khám xét không được giao cho đối tượng bị khám xét.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Công ty luật Đức Chánh) khẳng định: “Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”. Thêm vào đó, việc khám xét này phải có quyết định khám nơi cất giấu tang vật, trong đó ghi rõ nơi khám và địa chỉ cụ thể của chỗ ở; ghi rõ khám toàn bộ nơi làm việc, hoặc khám một phần của các nơi đó…

“Theo tôi, trong trường hợp này bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu vàng Hoàng Mai, nên khởi kiện hành chính đối với Quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính số 2446 ngày 23.4.2014 của Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh. Nếu chứng minh được quyết định này là trái luật, gây thiệt hại cho cá nhân, doanh nghiệp mình thì có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo khoản 2 Điều 4 luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước”, luật sư Nguyễn Đức Chánh nói.

“Như vậy, khi ban hành Quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính số 2446 ngày 23.4.2014 của Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh thì phải có căn cứ cho rằng tiệm vàng Hoàng Mai (số 384 đường Bùi Hữu Nghĩa, phường 2, quận Bình Thạnh, TP.HCM) thuộc Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu vàng Hoàng Mai do bà Nguyễn Thị Thanh Mai làm giám đốc là nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Chứ không thể căn cứ vào việc trưa ngày 24.4.2014 có 'nghi vấn' 1 thanh niên đã đổi 100 USD tại tiệm vàng này mà khám nơi này vì quyết định này ban hành trước khi có sự việc vi phạm hành chính xảy ra một ngày”, luật sư Chánh phân tích.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 5 Điều 129 luật Xử lý vi phạm hành chính: “Mọi trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản. Quyết định và biên bản khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải được giao cho người chủ nơi bị khám 1 bản”.

Không được niêm phong vàng đang kinh doanh

Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) chỉ rõ theo quy định của điều 123, 129 luật Xử lý vi phạm hành chính, thì bà Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh không có thẩm quyền khám xét địa điểm kinh doanh (theo quy định chủ tịch UBND cấp huyện chỉ có thẩm quyền ban hành quyết định khám xét chỗ ở).

Trong trường hợp này, rõ ràng cơ quan chức năng khám xét địa điểm kinh doanh, thẩm quyền khám xét thuộc những người khác. Đặc biệt, theo quy định của pháp luật, cơ quan có thẩm quyền chỉ được tạm giữ tang vật vi phạm hành chính. Trong trường hợp này, tang vật vi phạm hành chính nếu có là 100 USD và phải được bắt quả tang.

"Việc cơ quan chức năng lục lọi trong các tủ, thu giữ tất cả số ngoại tệ mà tiệm vàng có là không đúng, vì nguồn gốc của số ngoại tệ này không phải tất cả đều vi phạm. "
Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM)

“Việc cơ quan chức năng lục lọi trong các tủ, thu giữ tất cả số ngoại tệ mà tiệm vàng có là không đúng, vì nguồn gốc của số ngoại tệ này không phải tất cả đều vi phạm. Bên cạnh đó, nhà nước cũng không cấm người dân giữ ngoại tệ. Việc tiệm vàng Hoàng Mai có trữ ngoại tệ cũng không có gì sai, chỉ sai nếu thu đổi ngoại tệ không có giấy phép và số ngoại tệ thu đổi trái phép mới là vi phạm pháp luật, mới bị tạm giữ”, luật sư Hà Hải phân tích.

Theo luật sư Hà Hải, nếu cơ quan chức năng không chứng minh được số ngoại tệ mình đang tạm giữ là do bà Mai thu đổi trái phép thì trong vòng 10 ngày kể từ ngày tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức phạt tịch thu đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể được kéo dài đối với những vụ việc phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, phương tiện và phải có người có thẩm quyền quyết định.

“Ngoài ra, doanh nghiệp của bà Mai là nơi kinh doanh, mua bán vàng. Do đó, vàng là hàng hóa dùng để kinh doanh mua bán. Nếu cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được nguồn gốc số vàng đó là do vi phạm pháp luật mà có thì không được quyền niêm phong”, luật sư Hà Hải nói.