Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.
Vừa thực hiện chuyến công tác qua nhiều tỉnh, thành, ông đánh giá thế nào về việc kiểm soát tải trọng xe trong 1 tháng vừa qua?
- Theo tôi, kết quả đạt được bước đầu có thể nói là đáng ghi nhận, xử lý tương đối nghiêm các xe chở quá tải. Không còn cảnh các đoàn xe ngang nhiên chở quá tải trong khi trước họ ngang nhiên, bất chấp. Bây giờ phải đi chui lủi.
Xem thêm:
>> Xe khách đâm nhau nát bươm, 8 người thương vong
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng triển khai chưa đồng loạt gây ra sự thiếu công bằng. Nơi làm chặt, nơi lỏng. Có trạm kiểm soát cũng chỉ hoạt động theo giờ trong khi xe ô tô đi cả ngày, có dừng nghỉ đêm đâu.
Kiểm soát tải trọng xe khiến giá cước vận tải tăng lên, liệu có gây một cú sốc cho xã hội?- Đấy là điều đương nhiên, anh chở đúng tải giá cước sẽ tăng. Lâu nay là giá cước ảo. Trước nay sức chở một thì chở đến ba, họ chung chi trên đường mất một thì vẫn được một. Nếu muốn vận chuyển rẻ hơn thì anh lựa chọn đi đường sắt, đường sông, đường biển. Trước nay giá đường bộ rẻ vì anh chở quá tải, dù chung chi anh vẫn được hưởng lợi. Giờ quay về chở đúng tải, các doanh nghiệp phải ngồi tính lại được giá đúng của nó, các chủ hàng phải tìm đến các phương tiện vận tải khác rẻ hơn để đi chứ không chỉ đổ lên đường bộ.
Lực lượng chức năng tại trạm cân Cần Thơ đang tiến hành kiểm tra tải trọng các phương tiện cơ giới.
Vậy đâu là giá trị thật của cước vận tải đường bộ?- Giá trị thật của cước vận tải là xe phải chở đúng tải và không chịu các chi phí bôi trơn. Nói giá trị thật của cước vận tải, lâu nay thế giới vẫn công nhận có chi phí đen. Thế nhưng khi hạch toán thì không nói được chi phí đen, họ chỉ căn cứ trên hợp đồng vận tải rồi chi phí xăng xe dầu máy, còn chi phí đen ẩn vào những thứ khác. Chúng ta cứ nói giá cước vận tải ô tô hiện nay là rẻ nhất nhưng bản chất không phải, vì bao nhiêu chi phí đen ẩn vào trong đó, bây giờ mới trở về giá trị thật. Chở đủ tải, hợp đồng rõ ràng phải chặt, chi phí đen bớt đi, giảm hẳn đi mới phản ánh giá trị thật của nó.
Trong khi ngành vận tải vẫn đang đi tìm giá thật của cước vận tải thì người nông dân đang bị ép giá ở cả vị trí người bán và người mua. Điều này có hợp lý không ?- Thực tế này là đúng. Trong cuộc chiến chống quá tải này, người yếm thế nhất là bà con nông dân. Thương lái bảo cước vận tải cao, tôi chỉ mua hàng với giá này. Vận tải ở giữa lưu thông cũng bảo giá cước thế này mới chạy. Người tiêu dùng đương nhiên phải chia sẻ phần chi phí này nhưng họ có nhiều sự lựa chọn. Nếu bán đắt quá tôi sẽ không mua nữa. Nhưng bà con nông dân bị nguy hiểm chỗ này, yếm thế nhất. Bà con bảo phải giảm cước vận tải nhưng họ không đồng ý cũng chịu. Người nông dân rõ ràng bị thiệt thòi, vấn đề là bàn tay của Nhà nước ở đây như thế nào? Làm quyết liệt việc chở đúng tải thì giá cước phải tăng.
Xem thêm:
Cước tăng tùy theo từng loại hàng, loại hàng có trọng lượng riêng thấp thì giá cước sẽ ổn định, từ trước đến nay ít chở quá tải. Còn những hàng hóa có trọng lượng riêng cao như xi măng, sắt thép, hàng nông sản đóng bao có thể xếp được nhiều thì giá cước phải điều chỉnh lại. Bây giờ Nhà nước phải điều chỉnh ra sao vì anh không thể bắt chở đúng tải mà giá cước lại thấp.
Ông nói nhiều đến chung chi, chi phí đen nhưng tại sao các doanh nghiệp vận tải không tố cáo những người “làm luật” như lời kêu gọi của cơ quan chức năng ?- Vận tải cũng yếm thế trong câu chuyện này. Doanh nghiệp nào, cá nhân nào dám tố cáo? Mình có nghiệp vụ đâu, quay phim chụp ảnh không có, khi tố cáo thì họ xử kiểu vòng vo. Cuối cùng để lại hậu quả là cá nhân, doanh nghiệp nào tố cáo thì chết.
"Khi siết tải trọng đường bộ, đây sẽ là thời cơ của vận tải đường sông, đường sắt nhưng các ông không chớp được. Tôi thấy Bộ GTVT hơi lúng túng, chưa nghĩ tới việc này”. Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN
|
Một bộ phận lực lượng kiểm soát trên đường làm bậy khiến người dân mất niềm tin. Bây giờ phải đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào, không để CSGT tiếp cận với đối tượng bị xử phạt. Họ cũng là con người, thức khuya dậy sớm, làm việc vất vả lại thường xuyên tiếp xúc với cám dỗ. Vậy là hai bên cùng bắt tay nhau để cùng sai.
Trong cuộc chiến chống quá tải này, năng lực thực thi công vụ của cơ quan chức năng đóng một nhiệm vụ rất lớn. Người lái xe chỉ mong chở đúng tải thì không bị sách nhiễu nữa. Có chủ doanh nghiệp nói với tôi, hàng ngày chở quá tải đến khi nhìn thấy lái xe về rồi mới nhẹ cả người vì nếu xảy ra tai nạn thì khốn nạn luôn. Quan trọng nhất là lực lượng thực thi công vụ phải lấy lại niềm tin của người dân.
Cũng có nguyên nhân khiến tình trạng chở quá tải như hiện nay là do cơ chế của ngành vận tải lộn xộn. Vận tải không chịu cạnh tranh nhau về chất lượng dịch vụ, an toàn hàng hóa, phương tiện mà lại đi cạnh tranh nhau bằng giảm giá cước, tăng tải trọng. Tôi nói thẳng với anh em là vận tải ô tô bây giờ oải quá. Vừa phải cắm đầu đi năn nỉ chủ hàng để có việc, đi trên đường lại sợ phát run khi lực lượng kiểm soát thổi còi.
Việc kiểm soát tải trọng đồng loạt đã làm xuất hiện nhiều bất cập như hàng hóa ùn ứ, người nông dân bị ép giá, lái xe phản ứng. Có phải Bộ GTVT chưa chuẩn bị các phát sinh khi đề xướng “cuộc chiến” tải trọng?- Tôi cảm giác Bộ GTVT chưa lường được việc siết thì ứ đọng hàng hóa, khi đó phải có một phương tiện gì để kết nối. Đúng là đường sắt, đường sông không chuyển biến kịp để gây ứ đọng hàng hóa, thành ra cũng gây một cú sốc cho xã hội. Chủ hàng thấy đường bộ bị tắc nghĩ đến đường sắt, quay lại liên hệ thì lại bị ông đường sắt nhũng nhẵng không thèm chở. Có thời kỳ cước vận tải đường sắt cao hơn đường bộ, nên người ta dồn về đường bộ. Giờ chủ hàng quay trở lại thì lại gây sự với người ta. Nhiệm vụ bây giờ phải giải tỏa được hàng hóa nhưng không thể thỏa hiệp với chở quá tải.
Xin cảm ơn ông!