Một người lính trận đã già, tuy “sinh con muộn” nhưng thật bõ công thai nghén.
Như mới hôm quaTôi và anh cùng nhập học khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tháng 11.1975. Chúng tôi là học sinh phổ thông ở các miền quê về Hà Nội. Anh và nhiều đồng đội khác từ chiến trường mới im tiếng súng trở lại giảng đường. Sinh viên tỉnh lẻ nội trú. Anh người Hà Nội ngoại trú mà lại sống ở phố Nguyễn Hữu Huân. Chúng tôi nghĩ về anh với cái nhìn ngước lên trong khái niệm vật chất, sung sướng. Ra trường, anh về làm việc trong ngành điện ảnh. Lâu ngày gặp nhau, bạn bè nói anh vẫn thế, không có gì đặc biệt. Thế rồi một ngày…
Tác giả Nguyễn Như Thìn (trái) trong cuộc gặp gỡ với bạn bè tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên sau 35 năm ra trường.
Tháng 2 năm 2012, Nguyễn Như Thìn ra mắt tập hồi ức chiến tranh đầu tiên “Nó và Tôi- Một thời hoa lửa”. 20 câu chuyện trong giới hạn chưa tới 170 trang nhưng đứa con tinh thần sinh muộn của người lính trận đã ngoài 60 tuổi này khiến tôi và nhiều bạn học, đồng nghiệp thẫn thờ khi đọc từng trang cho đến lúc gấp sách lại.
Thẫn thờ vì quá khứ trận mạc đầy bi hùng, chân thực và sống động, nhất là thời mùa hè đỏ lửa Quảng Trị năm 1972, sao anh cất trong ba lô lâu thế. Thẫn thờ vì ngòi bút văn chương muộn của anh về bom rơi đạn nổ vẫn khiến nhiều người đọc không cầm được nước mắt. Tập thứ hai vừa mới ra mắt “Trăng khuyết” cũng gồm 20 câu chuyện trong chưa tới 200 trang.
Với bạn đọc không quen tác giả, qua 2 tập sách được dịp “vào trận” với nhân vật “tôi” cùng không quá nhiều đồng đội của anh trở đi trở lại qua các tên gọi nhắc đến nhiều thành quen như Khánh voi, Minh già, Tân vịt, Định xịt, Sơn mốc… Họ hiện ra như mới hôm qua.
Với tôi, sách của anh mở mắt cho tôi nhiều điều. Một hình ảnh hoàn toàn mới và khác về người anh ngồi cùng 4 năm trên ghế giảng đường. Trong cuộc sống đầy bận bịu về những ham hố vật chất, danh vọng này... vẫn còn những người lính già như anh luôn đau đáu trả nợ ân tình đồng đội “chết cho mình được sống”, vậy mà chúng ta, thế hệ đi sau được hưởng nguyên nền hòa bình phải trả bằng biển máu của lớp người đi trước, sao nỡ dễ quên?!
Nguyễn Như Thìn từ một sinh viên khoa Toán cơ nhập ngũ nhưng trở lại giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội ngồi ở ghế khoa Ngữ văn. 3 cuốn sổ ghi chép qua 4 năm trận mạc đã khiến anh đi tới quyết định ngược nghề ấy. Người đầu tiên khuyến khích anh “mở ba lô có 3 cuốn ghi chép” là GS Hà Minh Đức. Nhưng nó vẫn còn được giấu kín mãi tới năm 2009, khi đã bắt đầu có tuổi, khi cái thứ sợ còn hơn sợ chết thời quân ngũ bắt đầu hiện hình trong anh- sự đày đọa thân xác.
Di chứng của những lần vác nặng trong các cuộc hành quân dài ngày giữa cái nắng miền Trung, trèo đèo lội suối, hai vai phồng loét khiến năm ấy anh phải về hưu sớm. Hôm nay ngồi nói chuyện với tôi, anh bảo xương sống của anh bây giờ đỡ riêng trọng lượng cơ thể đã như quá tải. Anh cảm nhận rõ ràng sự hối thúc phải viết để “trả ân tình những thằng bạn đã chết cho mình được sống”.
Lay động bởi tính thật
Sức hấp dẫn ở những câu chuyện hồi ức của Nguyễn Như Thìn trước hết là tính thật. Mọi địa danh, trận đánh, mọi nhân vật, từng câu chuyện đều là thật. Là các trận anh trực tiếp tham dự. Là nỗi sợ hãi có thật của người lính trẻ lần đầu vào trận. Là những cái chết muôn kiểu theo tính năng sát thương của bom đạn diễn ra ngay trước mắt anh. Là chiếc ba lô của người lính từ chiến tuyến bên kia bỏ mạng, anh nhặt được trong một trận đánh ở Cửa Việt rồi theo anh vào tận Sài Gòn ngày 30.4.1975, ngược ra Bắc, nằm thu mình trong nhà anh giữa Hà Nội như một nhân chứng lặng thầm đại diện cho cả hai phía trong cuộc chiến tranh dai dẳng, đẫm máu.
Tác giả Nguyễn Như Thìn nhập ngũ tháng 9.1971. Ngày huấn luyện tân binh anh cùng tiểu đội với Nguyễn Văn Thạc, tác giả “Mãi mãi tuổi 20”. Anh thuộc tiểu đội 12ly7, Đại đội 12 trợ chiến Trung đoàn 101. Đơn vị anh tham gia trận đánh đầu tiên ở Thành cổ tháng 8.1972. Ngay trận đầu, tiểu đội anh đã hy sinh quá nửa.
|
Tính thật trong sách của Nguyễn Như Thìn làm động lòng độc giả nhiều hơn bởi lẽ mọi câu chuyện anh đều viết mãi sau này, chắp nối quá khứ - hiện tại, miêu tả cuộc sống đồng đội sau chiến tranh với đủ các cung bậc sướng khổ theo hoàn cảnh của mỗi người.
Hồi ức quá khứ gần 40 năm với những câu chuyện trận mạc bi hùng và chuỗi thời gian tiếp nối tới hiện tại ở từng số phận có thật nâng giá trị tác phẩm của người lính già ở tầm nhân sinh quan cao hơn, nhất là về lẽ sống thời đương đại không chỉ của một người, một thế hệ mà của cả một đất nước, một dân tộc.
Gần 40 năm sau mới được đọc, phát hiện ra một Nguyễn Như Thìn hoàn toàn khác, chúng tôi, bạn học cũ, thực lòng thấy có lỗi khi hồi ấy học cùng các anh mà chẳng hiểu mấy về các anh. Trong lớp còn có anh Lê Đỗ Khanh- lớp trưởng Văn B khóa 20, cựu lính trinh sát pháo binh Sư đoàn 325, sau về làm giảng viên khoa Xuất bản Học viện Báo chí tuyên truyền- không lấy vợ, năm 2009 chết cô đơn trong phòng không ai hay.
Anh không chịu lấy vợ có lẽ bởi anh biết mình dính chất độc da cam, chúng tôi đau lòng nghĩ thế. Chúng tôi đã không hiểu, không cùng dòng cảm xúc với các anh khi ngồi trên giảng đường nhìn ra khung cửa ngắm bầu trời xanh hay nghe tiếng ve kêu liên tưởng tới những mối tình mình đã có hoặc tưởng tượng; còn các anh, vẫn những khung cửa ấy, bầu trời ấy, tiếng chim ấy lại gợi lên hồi ức về những cái chết của đồng đội, về những tấm bia bằng tôn đục sẵn mẫu ghi, là số huyệt đào trước mỗi trận đánh…
Đọc 2 tập hồi ức chiến tranh của Nguyễn Như Thìn, điều đọng lại như thứ cô đặc nữa là tình cảm giữa những người lính không chỉ thời trận mạc mà cho đến tận hôm nay- khi tất cả đã về già. Những con người tuy số phận khác nhau nhưng có chung một khuôn mặt- sự chung tình đúng nghĩa đồng đội thời trận mạc.