Đối với các thôn, bản đến ăn còn chẳng no, việc xây dựng một nhà văn hóa thôn đang là "gánh nặng", ấy vậy mà đối với người dân ở xóm Bống, một xóm nghèo 100% dân số là đồng bào dân tộc Mường, thuộc xã Bắc Phong, huyện Cao Phong thì chuyện đó dễ như… lấy đồ vật trong túi.
Cây cầu tránh lũ vào thôn Đai do người dân góp công sức xây dựng. |
Từ chuyện ở xóm Bống
Chị Bùi Thị Nhi - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Bống kể: "Nhiều năm liền, khi chưa có nhà văn hóa, mỗi lần đi tập huấn về, chúng tôi phải gọi chị em đến tận nhà riêng, hoặc vào từng hộ để phổ biến kiến thức. Cuối năm, chị em có muốn gặp gỡ, liên hoan, ăn uống cũng phải nhờ vả nhà dân. Trẻ con trong xóm cũng không có lấy một chỗ để học hành, vui Tết trung thu. Bí lắm".
Tình trạng ấy đã chấm dứt từ năm 2009, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chính quyền huyện và xã đã xây dựng cho xóm một nhà văn hoá khang trang với tổng kinh phí 49,3 triệu đồng. Số tiền đó có lẽ sẽ làm thất vọng không ít người vì giá trị đầu tư một nhà văn hóa hiện nay thường ở mức thấp nhất là 100 triệu đồng. Nhưng chỉ qua vài cuộc họp với dân xóm Bống, mọi khó khăn đã được tháo gỡ, vì người dân đã xác định được số tiền trên thực chất chỉ là vốn "mồi" để người dân tự đóng góp xây dựng cho mình một nhà văn hoá.
Anh Bùi Văn Thường - một hộ dân trong xóm, là người đi tiên phong khi xung phong hiến 320m2 đất của mình ở cạnh trục đường chính, nằm giữa trung tâm của thôn để làm địa điểm xây nhà văn hóa. Những người dân còn lại, người góp xà gồ, người góp gạch đá, hộ thì góp tiền mặt, ai không có tiền thì góp bằng ngày công xây dựng...
Cứ thế, chỉ hơn 1 tháng, nhà văn hóa xóm Bống đã hoàn thành. Tổng chi phí xây dựng và ngày công chỉ hơn 70 triệu đồng nhưng ngôi nhà cũng đủ vững chắc, rộng rãi ngoài sức mong chờ của người dân xóm Bống.
Khi người dân vào cuộc
Ông Đinh Văn Vượng- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Hòa Bình cho biết: "Từ 3 năm nay, UBND tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với JICA thực hiện việc đổi mới quy trình lập kế hoạch kinh tế - xã hội ở cấp xã. Việc lập kế hoạch được triển khai từ thôn, bản qua các cuộc họp xóm, chứ không theo kiểu "lập cho có", từ trên giội xuống như trước đây.
Khi thực hiện các kế hoạch đầu tư, trong đó có các công trình xây dựng phải đảm bảo đúng ý dân, được dân ủng hộ và tạo điều kiện để họ sẵn sàng đóng góp bất cứ thứ gì có thể. Đây là điều rất phù hợp và cần thiết để xây dựng chương trình NTM ở cơ sở".
Đến nay, trên địa bàn huyện Cao Phong đã có không ít công trình hạ tầng ở nông thôn được xây dựng nhờ vào sự đóng góp tự nguyện của người dân.
Như cây cầu bắc qua con suối vào xóm Đai, xã Yên Thượng là một ví dụ điển hình. Xóm Đai nằm trên sườn núi, cách trung tâm xã một con suối. Mùa mưa, nước ngập quá đầu người, chảy xiết, vì thế bọn trẻ phải nghỉ học, nhiều người già đau ốm không đến được trạm xá. Những cây cầu tạm bằng tre, bằng ụ đá, thì không chịu được nước lũ.
Vì vậy, ngay khi được chính quyền triển khai xây dựng cầu, người dân rất hứng khởi, và nhà nhà góp tiền, người người góp cát, đá sỏi, ván gỗ làm cốp pha để đổ bê tông. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn cây cầu đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong sự mừng vui của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Ông Đinh Văn Vượng cho biết: "Điều quan trọng nhất đối với mỗi công trình hạ tầng ở nông thôn là phải có sự đồng thuận của người dân, đặc biệt họ phải được trực tiếp tham gia vào xây dựng công trình, như cây cầu bắc qua xóm Đai, người dân vừa được trực tiếp làm thợ cầu, vừa giám sát công trình, trên công trường xây cầu khi nào cũng có hàng chục người dân".
Sỹ Lực