Chiều 29.4, tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ tháng 4.2014, liên
quan tới loạt bài đã được đăng tải trên Dân Việt “Kiểm xe quá tải, nông dân quá
oải”, PV Dân Việt đã đặt câu hỏi với người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn
Nên: “Thời gian qua, Chính phủ - mà trực tiếp là Bộ GTVT - đã triển khai kế hoạch
kiểm soát xe trọng tải trên toàn quốc.
Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Chính phủ nhằm siết lại tình hình vận tải, để giao thông đường bộ an toàn hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, có một hệ lụy xảy ra là hàng hóa nông sản bị ùn ứ và nông dân rất lao đao, một phần do thiếu xe vận chuyển, một phần do giá cước vận tải tăng. Bộ trưởng có thể cho biết quan điểm của Chính phủ về vấn đề này cũng như giải pháp nào để giúp người nông dân trong thời gian tới?”.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn
Văn Nên khẳng định: "Câu hỏi đặt vấn đề đúng, bởi vì vấn đề an toàn giao thông,
chấp hành pháp luật trên lĩnh lực giao thông là vấn đề lớn, xã hội quan tâm. Đảng
và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, điều hành trên lĩnh vực này. Gần đây nhất, Bộ
GTVT đã quyết liệt thực hiện việc xử lí nghiêm các xe chở quá khổ, quá tải.
Tôi nhớ không nhầm, Chỉ thị số 18 tháng 9.2012 của Ban Bí thư Trung ương đã chỉ đạo lập lại trật tự an toàn giao thông trên lĩnh vực đường bộ, đường thủy, đường sắt và chống ùn tắc giao thông. Sau Chỉ thị này có nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và một số chỉ đạo khác của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, với tinh thần rất quyết liệt. Tôi nói điều này để thấy rằng vấn đề này không phải không có sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan quản lý. Nhưng tại sao thời gian qua chúng ta làm chưa tốt?
Khi chỉ đạo thì các bộ, ngành chức năng và hầu hết các địa phương đều tổ
chức thực hiện, nhưng chưa thể hiện sự kiên quyết, còn thiếu kiên trì. Sự phối
hợp cũng chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ nên hiệu quả không cao. Gần đây nhất, Bộ
GTVT thực hiện chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và bắt đầu lập lại
trật tự trên lĩnh vực này. Lúc đầu có những phản ứng tương đối gay gắt, thậm
chí thái quá, nhưng trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Bộ trưởng Bộ GTVT
báo cáo rằng tới giờ sự đồng thuận ngày càng đáng khích lệ từ doanh nghiệp, lái
xe và nhân dân.
Tuy nhiên, để chủ trương này đem lại kết quả như chúng ta mong
đợi, đòi hỏi phải có biện pháp đồng bộ và làm một cách quyết liệt hơn, có sự phối
hợp chặt chẽ hơn. Để giúp nông dân bớt khó khăn như tình trạng PV nêu, ngành
giao thông phải tổ chức các tuyến vận tải khác như đường sắt, đường thủy để
chia sẻ gánh nặng vận tải với đường bộ trong vận chuyển hàng hóa, tránh ách tắc
đường bộ.
Đã có nhiều tín hiệu rất tốt từ các doanh nghiệp vận tải, họ rất ủng
hộ nhưng phải làm công bằng, phải làm quyết liệt, làm đến nơi đến chốn. Tôi
nghĩ đây là lĩnh vực mà báo chí nên tập trung đi sát và ủng hộ. Việc làm này
không chỉ xử lí vấn đề giao thông mà còn nâng cao ý thức chấp hành người tham
gia giao thông, bảo vệ đường xá tốt hơn.
Đây là chủ trương đúng nên báo chí hãy góp sức tuyên truyền, giúp việc thực hiện hiệu quả hơn, đem lại trật tự giao thông và ý thức chấp hành pháp luật trong giao thông của nhân dân.