Dân Việt

Sài Gòn: Sống chung với rác

Theo các chuyên gia, việc bố trí thùng rác công cộng kiểu "nơi cần không có, nơi có không cần" chưa thực sự khoa học, hợp lý là một nguyên nhân cho rác ngự trị tại TP.Hồ Chí Minh.
Chuyện rác ngang nhiên ngự trị đầy dẫy nơi công cộng không phải là chuyện mới. Thế nhưng, nếu ai sống ở TP.HCM năm năm trở lại đây, sẽ thấy để cải tạo bộ mặt đô thị, chính quyền chi hàng vạn tỉ đồng, mới hay tình trạng rác bừa bãi đã đấm một cú “knock-out” các cố gắng của địa phương...

Xảy ra tình trạng trên, người dân đổ thừa thiếu thùng rác; các cơ quan chức năng cho rằng nhiều người thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, còn có một nguyên nhân nữa là việc bố trí thùng rác công cộng chưa thực sự khoa học, hợp lý. Theo đó, rác công cộng cứ ngang nhiên ngự trị dưới lòng đường, trên vỉa hè mà không có cách giải quyết dứt điểm.

Nơi cần không có…

Có dịp đi ngang đường Cống Quỳnh (đoạn từ ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai đến Nguyễn Trãi), quan sát một chút, ai cũng thấy bọc nilông, giấy gói hàng, vỏ trái cây các loại vương vãi đầy đường. Đó là bức xúc của anh Trần Thanh Hùng, một nhân viên văn phòng làm việc tại toà nhà Hoàn Long (đường Cống Quỳnh), khi trao đổi với Thế Giới Tiếp Thị chuyện rác vẫn đầy đường.

Người dân đã quen sống chung với rác. Ảnh: P!
Người dân đã quen sống chung với rác. Ảnh: P!

Theo anh Hùng, chuyện không đến nỗi bức xúc, nếu đường Cống Quỳnh không phải là ở khu trung tâm, vốn là nơi toạ lạc của nhiều doanh nghiệp, toà nhà văn phòng. Đặc biệt có một siêu thị lớn nhất nhì thành phố và bệnh viện Từ Dũ, hàng ngày có cả hàng trăm ngàn người lui tới. Vậy mà đoạn đường trên không hề có một thùng rác công cộng nào. Hỏi ai không bức xúc!

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại có rất nhiều tuyến đường ở khu vực quận 1, 3 (thuộc trung tâm thành phố) tìm đỏ mắt không ra thùng rác công cộng. Trong đó, có thể kể đến đường Tôn Thất Tùng (quận 1), đường Nguyễn Phúc Nguyên (quận 3)… Đáng nói, chuyện không gắn thùng rác công cộng ở đường Nguyễn Phúc Nguyên có lẽ là sai lầm nhất của cơ quan liên quan. Bởi tuyến đường này là một trong hai tuyến chính vào ga Sài Gòn nhưng lúc nào cũng đầy rác dưới lòng đường, gây mất thiện cảm cho du khách đến ga Sài Gòn đi du lịch. Và, nhiều khách người nước ngoài ngán ngẩm đi bộ cả cây số không tìm được nơi vứt rác.

Thực trạng trên cũng xuất hiện ở hàng trăm tuyến đường, khắp các quận/huyện của TP.HCM. Nào là Huỳnh Văn Bánh (đoạn phường 14), Đặng Văn Ngữ... của quận Phú Nhuận; Gò Dầu, Cầu Xéo, Lê Đình Thám... quận Tân Phú; hàng chục tuyến đường trong khu Bàu Cát, quận Tân Bình; quận 8; Bình Thạnh...

… Nơi có không cần!


Trong khi người dân sinh sống trên các tuyến đường Cống Quỳnh, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Phúc Nguyên,… chờ có thùng rác công cộng để đường bớt bẩn, thì ở hai tuyến đường dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè – Trường Sa và Hoàng Sa, dù được đặt hàng chục thùng rác công cộng nhưng vẫn đầy rác. Rác trên thảm có, rác vứt đầy lòng kênh, khiến con kênh mất hàng ngàn tỉ đồng để cải tạo vẫn bị ô nhiễm vì rác vứt bừa bãi.

Chú Tư Lai – một cán bộ hưu trí ở đường Trường Sa, phường 13, quận 3, bức xúc: mỗi lần thấy mấy anh thanh niên câu cá vứt bọc nilông xuống kênh, tôi nhắc nhở thì họ trả lời thùng rác xa quá, tiện tay vứt xuống kênh luôn chứ bỏ trên thảm cỏ nhìn còn nhếch nhác hơn. Thiệt hết biết!

Tương tự, tại công viên 30.4, trước cổng dinh Thống Nhất, phía bên đường Hàn Thuyên, quận 1, lúc nào rác cũng đầy trên thảm cỏ, dù công viên này không thiếu thùng rác công cộng. Bác Phan Ngọc Hiền, một người dân thường xuyên tập thể dục ở công viên 30.4, bực tức: “Những chủ quán càphê, hàng rong di động đã biến nơi đây thành bãi rác mất rồi”.

Cũng theo bác Hiền, từ sáng sớm đến chiều tối, công viên này đã trở thành quán “càphê bệt”. Khách đến lót báo ngồi, khi đi thì cứ thế vô tư bước, để lại sau lưng nào là giấy báo (giấy báo được những người bán càphê phát đã lót ngồi), đồ đựng thức uống bằng nhựa... Trông nhếch nhác không chịu được.

“Phải cùng sửa mình”


Bình luận về thực tế tréo ngoe trên, theo TS Dư Phước Tân, trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, viện Nghiên cứu phát triển (thuộc UBND TP.HCM), để khắc phục được những bất cập trên, hai bên – tức người dân và cơ quan liên quan đến việc gắn thùng rác công cộng – phải tự sửa mình.

Theo đó, người dân cần phải hiểu rõ việc bảo vệ môi trường sống xung quanh mình chính là bảo vệ bản thân mình. Đừng nghĩ vứt rác xa nhà mình là không ảnh hưởng tới mình. Suy nghĩ như vậy là… thua. Ông Tân phân tích, chính suy nghĩ trên đã biến không ít thùng rác công cộng thành… “cây rác” công cộng. Phải nhớ, thùng rác công cộng được gắn với mục đích phục vụ những người đi đường lỡ có nhu cầu muốn vứt rác sau khi ăn xong hộp cơm hay uống ly càphê mang về, chứ không phải để chứa rác sinh hoạt của các hộ dân xung quanh. Vậy mà, nhiều người đã hiên ngang xem đây là thùng rác “của mình”, rồi vô tư bỏ tất tần tật rác sinh hoạt gia đình vào thùng rác. Người này làm được, người khác cũng làm được, thùng có giới hạn, rác được xếp dưới chân thùng, ô nhiễm vô cùng.

Ở đây có thể kể đến các “cây rác” vốn là thùng rác công cộng ngày càng xuất hiện nhiều trên đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn từ Điện Biên Phủ đến Nguyễn Thị Minh Khai), đường Trương Định hay Lê Văn Sĩ quận 3 cũng tương tự.

Việc người dân phản ánh thiếu thùng rác cũng đúng. Ở đây có thể thấy khi tiến hành gắn thùng rác công cộng, các đơn vị liên quan không hoặc chưa tính toán kỹ đến lưu lượng xe trên từng tuyến đường, đặc thù của tuyến đường nên mới xảy ra tình trạng nhiều tuyến đường có nhiều khách lưu trú như tuyến đường Cống Quỳnh (có bệnh viện Từ Dũ), đường Tôn Thất Tùng (có bệnh viện Quốc tế phụ sản, có các điểm du lịch ẩm thực và tôn giáo)… nhưng không gắn thùng rác công cộng quả là thiếu sót.

“Muốn hợp lý, khoa học thì tốt nhất phải có một đề án cụ thể, được xây dựng dựa vào phản biện của nhiều thành phần, chứ không thể áng chừng rồi tiến hành gắn”, ông Tân nói. Vì vậy, trước mắt để khắc phục chuyện thiếu thùng rác, các cơ quan liên quan nên tiến hành gắn thùng rác công cộng ở từng ngã tư, để cho người đi đường tiện vứt rác.

Còn người dân, muốn rác không gây xốn mắt thì phải nhớ thùng rác công cộng không phải là nơi chứa rác sinh hoạt gia đình, và hơn hết là không được vứt rác bừa bãi. Đối với người dân thì chỉ có thể kêu gọi chuyện tự ý thức chứ không thể dùng biện pháp khác được, bởi tới nay chúng ta vẫn chưa có chế tài đối việc việc vứt rác bừa bãi trên đường. Nếu người dân không ý thức thì gắn bao nhiêu thùng rác cũng không làm cho bộ mặt đô thị tốt hơn.

“Hai bên cùng sửa mình thì mới mong rác không còn làm cho bộ mặt đô thị TP.HCM nhem nhuốc”, ông Tân chia sẻ.