Phim liên quan nhiều đến việc “chạy”, từ “chạy dự án” đến “chạy chức quyền”… Ông có chuẩn bị đón nhận những phản ứng trái chiều?
- Đề tài chống tham nhũng tôi đã theo đuổi nhiều năm nay, các bộ phim "Cầu Trầm", "Cổ vật", "Ngôi biệt thự màu tro lạnh" đều nói về tham nhũng và các chính khách. Đương nhiên khi làm phim về các chính khách, lãnh đạo cấp cao, thì mình xác định chắc chắn là sẽ vấp phải phản ứng. Thế nhưng tham nhũng đang là vấn đề bức xúc của xã hội, người làm phim không thể lảng tránh thực tại nên phải phản ánh mặt trái, tệ nạn đó.
Cảnh trong phim “Chủ tịch tỉnh” với 2 diễn viên Phạm Cường (phải) và Vi Cầm |
Giữa bức tranh đời sống với không ít vấn đề tiêu cực mà bộ phim phản ánh, đâu sẽ là những điểm sáng?
- Bộ phim phản ánh rất nhiều chuyện tiêu cực. Ví dụ như trường hợp của đồng chí chủ tịch tỉnh đời đầu tiên là người rất hiền lành, chất phác, tất cả từ vợ con, đồng chí, đồng nghiệp đều nghĩ đó là một con người rất liêm khiết... Nhưng sau khi đồng chí mất đi, kiểm kê mới phát hiện ra đồng chí có rất nhiều tài sản lớn khác.
Hay như các đồng chí lãnh đạo khác, từ phó chủ tịch đến chánh văn phòng đều tham nhũng, mà chủ yếu là tham nhũng qua các dự án. Điểm sáng của bộ phim nằm ở phần kết, khi người kế nhiệm chiếc ghế chủ tịch tỉnh không phải bằng việc “chạy chọt” mà bằng phẩm chất và năng lực của chính mình. Quả thật những người công tâm và những người vì dân, đau đáu với dân mới là người chiến thắng trong cuộc đua này.
Đạo diễn Bùi Huy Thuần |
Đang “mát tay” với thể loại phim trinh thám, hành động giờ chuyển sang phim chính luận, chắc hẳn ông phải dùng nhiều “chiêu” để mang lại tính hấp dẫn cho phim “Chủ tịch tỉnh”?
- Trong phim này đương nhiên có những chuyện nhiều người biết, như đã tham nhũng, “chạy chức, chạy quyền” thì người ta sẽ dùng mọi thủ đoạn, kể cả tiền và tình. Một khi đã có tiền, tình và mọi thứ thì sẽ dễ nảy sinh những mối quan hệ quan chức - người đẹp. Điều này sẽ mang đến cho phim những yếu tố "mát mẻ", bớt đi tính khô khan. Tuy nhiên, đây không đơn thuần chỉ là yếu tố câu khách, mà trên thực tế chính là một mặt trái của không ít quan chức thời nay.
Cùng với bối cảnh đẹp, bộ phim quy tụ dàn diễn viên tên tuổi, có nhiều năm kinh nghiệm diễn xuất như Trần Nhượng, Phạm Cường, Hoàng Dũng, Minh Hòa, Đức Khuê, Minh Hằng, Vi Cầm... Đây sẽ là yếu tố thu hút sự quan tâm của khán giả.
Và cũng phải nói thêm là bộ phim có một kịch bản chất lượng cao. Xin được tiết lộ là kịch bản phim “Chủ tịch tỉnh” của tác giả Đình Kính đã được Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) trả mức “cát sê” cao nhất từ trước đến nay cho một kịch bản phim truyền hình.
Những người thực hiện bộ phim "Chủ tịch tỉnh" có chịu sức ép, hay sự so sánh nào với phim"Bí thư Tỉnh uỷ" vừa được bình chọn là phim truyền hình hay nhất năm 2010?
- Khi tôi đặt viết kịch bản “Chủ tịch tỉnh” thì lúc đó "Bí thư Tỉnh ủy" cũng chỉ manh nha sản xuất. Nhưng khi tôi có bộ kịch bản vào năm 2009 thì lúc đó lại đang bận hoàn tất bộ phim "Ngôi biệt thự màu tro lạnh" nên đành tạm gác ý định sản xuất phim "Chủ tịch tỉnh".
Mặc dù cùng là dòng phim chính luận nhưng "Bí thư Tỉnh ủy" nói về quá khứ, còn "Chủ tịch tỉnh" lại là câu chuyện của hiện tại. Phim "Chủ tịch tỉnh" cũng phản ánh một tấm gương điển hình là đồng chí chủ tịch đời sau đã dám làm dám chịu mọi thứ vì dân. Phim "Chủ tịch tỉnh" đề cập đến những vấn đề mà thời của "Bí thư Tỉnh ủy" không có như: Chạy chức, chạy quyền, chạy dự án hay hối lộ tinh vi, và cả những trò ăn chơi phè phỡn...
Khi thực hiện bộ phim này, khó khăn lớn nhất mà ông gặp phải là gì?
- Khó khăn khi làm phim về các quan chức, đặc biệt là dòng phim chống tham nhũng, là khi đoàn phim đến các địa phương, người ta thấy kịch bản “đụng chạm” như vậy thường không nơi nào muốn đón nhận. Đó cũng là một nhược điểm khi làm dòng phim tham nhũng của chúng ta - do không đủ kinh phí tạo dựng nơi sản xuất nên thường phải đi "nhờ vả" là chủ yếu.
Rất may là đoàn làm phim "Chủ tịch tỉnh" đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh, Thành ủy, UBND TP.Bắc Ninh nên công việc rất thuận lợi. Chúng tôi được tạo điều kiện cho mượn đúng bối cảnh từ phòng chủ tịch tỉnh đến các phòng khác và đoàn làm phim không phải cải tạo bối cảnh.
Xin cảm ơn đạo diễn và rất chờ mong những bộ phim tiếp theo của ông.
Khánh Linh (thực hiện)