Dân Việt

7 trò chơi dân gian mẹ nên dạy bé

Khám phá 01/05/2014 14:11 GMT+7
Trò chơi dân gian có lợi ích tuyệt vời trong việc rèn luyện thể chất và trí tuệ của trẻ. Nhưng nhiều phụ huynh lại vô tình bỏ qua.
Các trò chơi dân gian thường đơn giản, không cầu kỳ hay tốn kém, có thể dễ dàng chơi mọi lúc, mọi nơi… và mang lại hiệu quả giáo dục cũng như rèn thể chất và trí tuệ tuyệt vời cho trẻ.

1. Chi chi chành chành


Tác dụng: Trò chơi này giúp trẻ từ 1 tuổi trở lên rèn phản xạ nhanh vô cùng tuyệt vời. Không cần một sân chơi rộng hay quá nhiều người mà chỉ cần cha/mẹ với con chơi trò này là đủ.

Cách chơi: Chọn một người đứng ra trước xòe bàn tay và thành viên còn lại giơ ngón trỏ ra, chỉ vào lòng bàn tay đó. Lúc này người xòe bàn tay đọc thật nhanh: “Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa chết trương/ Ba vương ngũ đế/ Bắt dế đi tìm/ Ù à ù ập/ Đóng sập cửa vào”.

Đọc đến chữ “ập” người xòe tay nắm lại, người chơi còn lại cố gắng rút tay ra thật nhanh. Nếu rút tay không kịp thì sẽ bị phạt.

2. Oẳn tù tì

Tác dụng: Rèn tính phán đoán và phản xạ

Oẳn tù tì là một trò dân gian phổ biến giúp rèn phản xạ và phán đoán cho bé. Ảnh minh họa
Oẳn tù tì là một trò dân gian phổ biến giúp rèn phản xạ và phán đoán cho bé. Ảnh minh họa

Cách chơi: Trò chơi có thể tiến hành khi có 2 người trở lên cùng đứng hoặc ngồi, tay đung đưa theo nhịp câu hát: Oẳn tù tì, ra cái gì? Ra cái này! Kết thúc câu hát, tất cả người chơi cùng xòe tay theo các hình: nắm tay là búa, chĩa hai ngón trỏ và ngón giữa là kéo, ngón trỏ là dùi, xòe cả bàn tay là lá. Tìm ra người thắng theo quy tắc sau: búa nện được kéo, dùi nhưng bị lá bọc; kéo cắt được lá; dùi đâm thủng lá; dùi khoan được kéo.

3. Thả đỉa ba ba

Tác dụng: Rèn cho trẻ khả năng vận động nhanh nhẹn

Cách chơi: Người chơi cần từ 3 trở lên. Đầu tiên, vẽ một vòng tròn giữa sân hoặc giữa nhà ( to, nhỏ tùy theo số lượng người tham gia. Sau đó, tất cả người tham gia đứng thành một vòng tròn vây quanh một người ở giữa, rồi đọc bài: Thả đỉa ba ba/ Chớ bắt đàn bà/ Phải tội đàn ông/ Cơm trắng như bông/ Gạo mềm như nước/ Đổ mắm, đổ muối/ Đổ chuối hạt tiêu/ Đổ niêu nước chè. Đổ phải nhà nào/ Nhà ấy phải chịu. Tiếng cuối cùng của bài rơi và người nào thì phải làm ‘đỉa’.

4. Bịt mắt bắt dê

Tác dụng: Rèn luyện thể chất và tính phán đoán, định hướng.

Cách chơi: Trò chơi này càng nhiều người tham gia càng vui nên bạn có thể rủ thêm các bé khác cùng chơi. Khi bắt đầu chơi, các bé đứng nắm tay nhau quây thành vòng tròn rộng. Hai bé đứng giữa vòng tròn cùng bị bịt chặt mắt bằng miếng vải, một bé đóng vai con dê vừa chạy vừa kêu “be be”, bé còn lại là thợ săn, phải bắt được dê dựa theo tiếng kêu.

Các bé làm vòng tròn reo hò mách nước cho người bắt nhưng là mách sai để gây cười. Người săn bắt được dê thì dê được thay chỗ làm người săn và một người khác ở hàng rào vào làm dê, người săn thắng cuộc trở lại làm hàng rào.

5. Kéo cưa

Tác dụng: Rèn thể chất. Thích hợp với trẻ độ tuổi từ mẫu giáo trở lên

Cách chơi: Hai người ngồi đối diện nhau, cầm chặt tay nhau. Vừa hát vừa kéo tay và đẩy qua đẩy lại trông như đang cưa một khúc gỗ ở giữa hai người. Mỗi lần hát một từ thì lại đẩy hoặc kéo về một lần. Bài hát có thể là: Kéo cưa lừa xẻ/ Ông thợ nào khỏe/ Về ăn cơm vua/ Ông thợ nào thua/ Về bú tí mẹ. Hoặc: Kéo cưa lừa xẽ/ Làm ít ăn nhiều/ Nằm đâu ngủ đấy/ Nó lấy mất của/ Lấy gì mà kéo

6. Mèo đuổi chuột

Tác dụng: Rèn thể chất

Cách chơi: Trò chơi gồm từ 7 đến 10 trẻ. Tất cả đứng thành vòng tròn, tay nắm tay, giơ cao lên qua đầu. Rồi bắt đầu hát. Mèo đuổi chuột/ Mời bạn ra đây/Tay nắm chặt tay/ Đứng thành vòng rộng/ Chuột luồn lỗ hổng/Mèo chạy đằng sau/ Thế rồi chú chuột lại đóng vai mèo/ Co cẳng chạy theo, bắt mèo hóa chuột

Một trẻ được chọn làm mèo và một trẻ được chọn làm chuột. Hai ntrẻ này đứng vào giữa vòng tròn, quay lưng vào nhau. Khi những trẻ khác hát đến câu cuối thì chuột bắt đầu chạy, mèo phải chạy đằng sau. Tuy nhiên mèo phải chạy đúng chỗ chuột đã chạy. Mèo thắng khi mèo bắt được chuột. Rồi trẻ đổi vai trò mèo chuột cho nhau. Trò chơi lại được tiếp tục.