Dân Việt

Yangon - nơi thời gian lùi lại

02/04/2011 06:56 GMT+7
(Dân Việt) - Cách đây vài tháng, Vietnam Airline chính thức mở đường bay Hà Nội - Yangon (Myanmar), tôi cũng định mua một vé, sau rồi lại thấy sờ sợ... Nhưng rốt cuộc, tôi vẫn lên đường.

Và rồi thỉnh thoảng tôi lại thấy giống như mình bị đẩy ngược về thì quá khứ khi dạo bước trên vỉa hè Yangon.

img
Xe đạp “ôm” - hình ảnh thân thuộc trên đường phố Yangon.

Đặc sắc longyi

Trong quá trình nhiều năm bị Mỹ và EU cấm vận, nền kinh tế của đất nước 60 triệu dân này thuộc vào diện những nước nghèo trên thế giới, chỉ số HDI (phát triển con người) luôn nằm ở top cuối. Nỗi nghèo khó hiển hiện ngay cả trên các đường phố trung tâm của cố đô Yangon và trên những khuôn mặt luôn trắng vệt Thanakha của người dân lao động. Trong các khu chợ ngoài trời, giờ vẫn tìm thấy những cửa hàng sửa ô che nắng, sửa bật lửa gas, sửa dép...

Cần phải nói rằng công dân Yangon nói tiếng Anh khá thành thạo, ngay cả những người bán hàng hoặc lao động phổ thông. Ai cũng sẵn sàng giao tiếp với khách ngoại quốc bằng tiếng Anh, trong khi đây hoàn toàn không phải một thành phố du lịch như Bali hay Pataya.

Người Myanmar, cả nam và nữ quanh năm mặc... váy, một loại vải cuốn đến gót chân mà ở ta gọi là xà rông, còn họ gọi longyi. Nam mặc longyi kẻ ca rô sẫm, còn nữ mặc vải hoa nhiều màu. Họ chỉ thay đổi thời trang bằng cách thay chất liệu, họa tiết và sắc màu trên longyi.

Longyi của nữ có dây buộc còn của nam thì có vẻ phức tạp hơn, dễ tuột hơn nên thi thoảng các bác mày râu lại gỡ "váy" ra vấn lại cạp trước thanh niên bạch nhật. Khách lạ phải tự biết ý mà quay mặt đi. Chỉ một số ít thanh niên thuộc loại sành điệu mới mặc quần. Vì thế tất nhiên ở những quán cà phê trong trung tâm thương mại không tìm thấy người mặc "váy"...

Dân số 5 triệu người, Yangon, như nhiều đô thị khác trên thế giới tiếp nhận làn sóng nhập cư đến từ tất cả các tỉnh nghèo trong cả nước. Du lịch của Myanmar gần đây mới mở cửa, lượng khách hàng năm chỉ vài trăm ngàn mà dường như khách Việt cũng là một nguồn chủ yếu.

Bằng chứng là lúc ở Bago, rất nhiều người bán rong mời chúng tôi mua bưu thiếp và đám trẻ con ùa ra xin "một đô". Ngay cả những đứa trẻ 3- 4 tuổi má quệt Thanakha cũng lũn cũn chạy theo quờ tay lên vạt áo khách mà nói cái câu tiếng Việt "một đô, một đô". Hỏi giá bưu thiếp, người bán nói tiếng Việt rất sõi: Hai nghìn.

Văn hoá ăn bốc, nhai trầu

Balay là một cô gái thời trang, mỗi ngày thay một bộ longyi với áo và dép xỏ ngón cùng màu (người Myanmar, cả nam lẫn nữ chỉ thịnh hành dép xỏ ngón chứ không mấy khi đi giày). Như nhiều phụ nữ Myanmar khác hay nhìn tôi bằng ánh mắt tò mò, tôi mặc gì Balay cũng nức nở khen đẹp. Rõ một điều rằng với một đất nước chỉ tôn thờ longyi thì những chiếc quần soọc, váy dài ngắn khác nhau của tôi là cả một "gu thời thượng".

img
Một em gái Yangon với vệt Thanakha trên mặt.

Người Myanmar còn có văn hóa ăn trầu, từ tầng lớp lao động đến công nhân viên chức, già trẻ, nam nữ lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu. Ở một số nơi công cộng như chùa chiền, người ta đặt sẵn những chiếc ang đồng để cho khách thập phương nhổ bã trầu, bằng không thì bạ đâu nhổ đấy.

Đang đi trên đường, thảng hoặc lại giật mình vì một nam nhân trẻ trung thò đầu ra khỏi cửa taxi và nhổ toẹt bã trầu trên đường phố.

Ngoài mặc longyi, bôi Thanakha, môi đỏ vệt trầu, người Myanmar còn duy trì văn hóa ăn bốc trong bữa cơm và đi chân đất ở tất cả những ngôi chùa và thiền viện rộng lớn. Quả là miền đất này rất khác những nơi còn lại trên địa cầu.

Cách Yangon vài trăm cây số, các nhiếp ảnh gia quốc tế chớp được hình ảnh về những người đàn bà cổ dài nổi tiếng thuộc bộ tộc Padaung để tranh thủ đưa lên trang bìa những tạp chí lớn. Những chiếc vòng vàng được đặt vào cổ các bé gái và theo năm tháng số vòng kim loại nhiều lên, tạo ra những người đàn bà "cổ hươu kiêu kỳ"...

Miền đất hứa...

Tôi yêu thích đường Wisara - con đường đẹp nhất Yangon, mà khi đứng ở đó, người ta sẽ không thể nhìn thấy những cỗ xe cũ kỹ chất đầy những người dân lao động đang cố đeo bám lấy thành xe, và tạm quên đi nỗi bực mình vì suốt tuần lễ không gửi được email do lệnh kiểm soát thư tín của chính quyền quân sự nơi này...

Trên đường ra sân bay để quay về Hà Nội, tôi nhìn thấy bảng thương hiệu của Ngân hàng Việt Nam BIDV trên một con phố. Myanmar là mảnh đất màu mỡ mà nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đều đang muốn khai phá. Nhiều công ty Mỹ-Âu lách luật nhờ các kẽ hở của lệnh cấm vận đã ở lại để tìm vận may. Chúng ta mở đường bay tuần 4 chuyến đến Yangon cũng là mở đường cho nhiều doanh nhân Việt sang khảo sát thị trường.