Dân Việt

Tay trắng dựng… tiền tỷ

03/04/2011 10:30 GMT+7
(Dân Việt) - Không chỉ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nghề cơ khí, anh Lê Anh Quốc (xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) còn tổ chức dạy cho nhiều thanh niên thành nghề.

Tay trắng dựng… tiền tỷ

Là con thứ 2 trong gia đình có 3 chị em, không như những người khác chọn con đường học vấn để lập thân, sau khi tốt nghiệp THPT Lê Anh Quốc (SN 1979) đã quyết định ở nhà tiếp quản xưởng cơ khí nhỏ của gia đình.

Nói là xưởng cho oai, chứ thực chất đó là một cái quán sửa chữa cơ khí nhỏ mà bố Quốc mở ra để đắp đổi cuộc sống gia đình. Bố Quốc vốn là một thợ cơ khí giỏi từ trong quân đội nhưng xưởng của ông không phát triển được vì đồ nghề nghèo nàn, trang thiết bị thiếu thốn.

Sau khi tiếp quản xưởng, Lê Anh Quốc bắt đầu tính đến chuyện làm lớn. Anh nghĩ: "Quê mình là xã vùng biển, tàu thuyền đánh cá của ngư dân phát triển rất mạnh, nhưng cả xã chưa có xưởng cơ khi nào ra hồn. Mỗi lần máy móc, tàu thuyền của bà con bị hỏng hóc, bà con phải đem đi sửa chữa ở xa, rất tốn kém… Đầu tư vào xưởng cơ khí mình sẽ không lo thiếu việc làm mà bà con cũng đỡ tốn kém".

Vậy nhưng, để có một cái xưởng cơ khí có thể chữa được "bách bệnh" không phải là một việc dễ dàng, bởi có những chiếc máy - công cụ để sửa chữa có giá hàng tỷ đồng - khoản tiền không tưởng đối với Quốc lúc bấy giờ.

Khó khăn là vậy, nhưng Quốc vẫn không chùn bước. Anh nghĩ, máy móc là quan trọng, nhưng tay nghề càng quan trọng hơn. Ngoài tay nghề được "truyền" từ bố, Quốc mua sách về mày mò tự học, bỏ tiền đi xin học việc thêm ở các xưởng cơ khí lớn… Và nhờ có tay nghề cao, nên xưởng cơ khí của Quốc ngày càng đông khách, tăng thêm thu nhập.

"Tích luỹ được đồng nào mình lại tiếp tục đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sửa chữa. Mỗi năm sắm thêm một ít chứ sắm một lần thì không đủ tiền"- Quốc chia sẻ.

Cóp nhặt bao năm, giờ xưởng cơ khí của anh đã đầy đủ thiết bị máy móc (trị giá trên 3 tỷ đồng) để chữa những loại "bệnh" khó nhất. Ngoài ra, xưởng của anh còn sản xuất các loại phụ tùng thay thế cho các loại máy phục vụ nông nghiệp, ngư nghiệp (chủ yếu là tàu thuyền đánh cá).

Khách hàng của anh từ chỗ chỉ ở các xã Quảng Phú, Cảnh Dương (Quảng Trạch) nay đã mở rộng ra các huyện khác như Bố Trạch, Đồng Hới và ra tận Hà Tĩnh. Thậm chí, nhiều nhà máy lớn như Nhà máy Xi măng Sông Gianh cũng đã tìm đến xưởng của anh Quốc để đặt hàng gia công các bộ phận máy móc quan trọng bị hỏng…

Vừa làm vừa học cũng thành thợ lành nghề

Hiện tại xưởng cơ khí của anh Quốc thường xuyên có gần 10 lao động làm việc với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ có vậy, hàng năm tại xưởng cơ khí của Quốc còn có ít nhất 5 thanh niên được đào tạo lành nghề.

Xưởng cơ khí Minh Cạnh (lấy theo tên bố anh Quốc) của anh Lê Anh Quốc đã đào tạo nghề cơ khí cho hơn 50 lao động. Hiện, anh có kế hoạch nhận học việc, đào tạo hàng trăm lao động trên địa bàn tỉnh.

"Ở các xã vùng biển như Cảnh Dương, Quảng Xuân, Quảng Kim có nhiều xưởng cơ khí đang ăn nên làm ra mà hầu hết họ đều là "học trò" của mình đó" - anh Quốc tự hào khoe.

Anh Hồ Hán Dương - chủ một xưởng cơ khí ở Cảnh Dương thổ lộ: "Tôi đến học nghề ở xưởng của anh Quốc được hơn 1 năm thì vững tay nghề và ra mở xưởng ở đây. Trong quá trình học nghề, anh Quốc không những không lấy tiền học phí, mà còn tận tình chỉ bảo cho tôi. Anh Quốc đã giúp tôi rất nhiều để tôi có thể mở được cái xưởng này".

Xưởng cơ khí của anh Quốc còn là nơi đào tạo nghề cho nhiều lao động trước khi họ đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Nhờ được anh Quốc dạy nghề mà các anh Lê Văn Nam (Cảnh Dương), Nguyễn Văn Thành (Quảng Phú), Hồ Văn Đức (Quảng Kim) đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan có thu nhập hơn 15 triệu đồng/ người/ tháng…

"Hiện Quảng Trạch còn nhiều thanh niên thất nghiệp. Tôi cố gắng nhận và đào tạo được người nào lành nghề, có công ăn việc làm tôi đều vui cả" - anh Quốc tâm sự.