Dân Việt

Nga, Mỹ và cuộc đua máy bay ném bom chiến lược

Minh Nhân (theo Topwar) 03/05/2014 19:10 GMT+7
Nga và Mỹ đều đang xúc tiến hai dự án chế tạo máy bay ném bom chiến lược mới để có được những chiếc đầu tiên vào thập kỷ tới, nhằm thay thế phi đội máy bay ném bom hiện có như Tu-95MS, B-52H.
Nhận định về hai dự án chế tạo máy bay ném bom chiến lược PAK DA (Nga) và LRS-B (Mỹ), trong một bài viết hôm 29.4, tờ báo Nga Topwar.ru đánh giá, trong khi dự án của Nga đã bước vào giai đoạn phát triển máy bay còn dự án của Mỹ vẫn còn chưa bắt đầu.

Dự án máy bay PAK DA chở 30 tấn bom của Nga

Máy bay ném bom chiến lược PAK DA đầy hứa hẹn của Nga là một trong những những dự án quan trọng bậc nhất trong sự phát triển của Không quân Nga. Theo các báo cáo, chiếc máy bay này được tạo ra là một máy bay ném bom chiến lược cơ bản của Không quân Nga. Nó có các đặc tính cho phép thay thế tất cả các máy bay ném bom chiến lược đã có như Tu-95MS, Tu-22M3 và Tu-160. Cho nên khi PAK DA được sản xuất hàng loạt thì các máy bay ném bom cũ của Nga sẽ đi vào dĩ vãng và loại hình máy bay này sẽ đi ghi vào những trang mới.

img
Mô hình máy bay PAK DA của Nga theo đồn đoán. Ảnh: Asiandefencenews.com

Việc xem xét yêu cầu cần có một loại máy bay ném bom chiến lược mới đã được Không quân Nga đề ra từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX. Nhưng sau đó, vì một lí do nào đấy, công việc này đã bị trì hoãn và chỉ có thể tái khởi động vào nửa thập kỷ sau. Cụ thể, vào khoảng năm 2007-2008, Nga bắt đầu tung ra dự án chế tạo máy bay ném bom chiến lược mới PAK DA và được ký kết vào năm 2009 với Cục thiết kế Tupolev.

Kể từ khi đó, Tupolev cùng các công ty đối tác đã dành rất nhiều thời gian để tạo ra một thiết kế sơ bộ về chiếc máy bay ném bom mới. Cuối năm ngoái, Tupolev đã tuyên bố, một dự thảo sơ bộ đã được Không quân Nga chấp thuận, trong năm nay, công ty sẽ bắt đầu các công việc phát triển chiếc máy bay. Như vậy, trong vài năm tới, Tổng công ty Hàng không Thống nhất (UAC) của Nga sẽ bắt đầu xây dựng được nguyên mẫu đầu tiên của loại máy bay mới này.

Trong một ấn bản đầu tháng 4.2014, Tạp chí quốc phòng Jane cho biết, một cuộc họp gần đây của ông Mikhail Pogosyan, Chủ tịch UAC đã bàn về dự án PAK DA. Theo đó, công việc thiết kế máy bay đã hoàn thành trên giấy và trong tương lai sẽ bắt đầu xây dựng, thử nghiệm một số mẫu máy bay ném bom tương lai. Tuy nhiên, các chi tiết khác vẫn chưa được tiết lộ.

Thời gian chính xác hoàn thành PAK DA rất khó có thể nói trước được. Do nhiều lý do, các điều khoản trong hợp động có thể di chuyển theo bất kỳ hướng nào khác. Theo dự kiến, chuyến bay đầu tiên của máy bay PAK DA được thực hiện trước năm 2019 nhưng đến nay đã lùi lại sau năm 2019. Từ những thông tin đó cho thấy công việc thiết kế hết sức phức tạp. Sau khi đã được chấp thuận về bản vẽ, bây giờ các nhà phát triển dự án đang bận rộn để thiết kế các công nghệ mới.

Thật không may, phần lớn các thông tin về các khía cạnh kỹ thuật của máy bay PAK DA vẫn chưa được tiết lộ cho công chúng càng tạo ra những suy luận về các phiên bản khác nhau của máy bay. Chẳng hạn vào mùa hè năm ngoái, Tư lệnh Không quân Nga Trung Tướng Bondarev nói rằng chiếc máy bay PAK DA sẽ thuộc loại cận âm và cải tiến dựa trên TU-160. Nhưng sau đó lại cho rằng, PAK DA có thể mang nhiều loại vũ khí khác nhau bao gồm cả tên lửa siêu thanh.

Thông tin ứng dụng tốc độ cận âm cùng phạm vi hoạt động lớn và có tải trọng lớn khiến nảy sinh một giả định rằng PAK DA được xây dựng theo kiểu “cánh bay” (giống với B-2 Spirit của Mỹ). Bố trí theo kiểu này cho phép máy bay kết hợp tối ưu độ bay cao cùng số lượng lớn các khoảng bên trong. Hơn nữa khối lượng lớn bên trong cho phép nó có khả năng tăng dự trữ nhiên liệu và từ đó có thể bay xa.

Dự kiến PAK DA khi ra đời sẽ thay thế một số loại máy bay ném bom Tu- 95MS, Tu-22M3 và Tu-160. Hơn nữa, một số nguồn tin phỏng đoán PAK DA còn nặng hơn cả Tu-160, có thể mang theo ít nhất 30 tấn vũ khí gồm cả tên lửa và các loại bom. Rõ ràng, PAK DA sẽ có thể sử dụng toàn bộ các vũ khí hiện có đang được trang bị trên các máy bay ném bom chiến lược, do đó nó có thể mang theo và sử dụng các loại vũ khí hàng khủng như tên lửa hạt nhân Kh-22, tên lửa hành trình X-55 cũng như tên lửa hành trình chiến lược Kh-101.

Số lượng máy bay PAK DA dự kiến sản xuất cũng như kinh phí cũng chưa được công bộ. Có thể những chi tiết này sẽ được tiết lộ trong các giai đoạn tiếp theo của dự án hoặc là nó đã có nhưng không được công bố. Có thể vào cuối thập kỷ này thì số lượng PAK DA sẽ được cho biết. Dựa trên phân tích PAK DA được tạo ra để thay thế các máy bay ném bom chiến lược hiện có thì có thể PAK DA sẽ được sản xuất ít nhất là vài chục chiếc.

Máy bay LRS-B: dự án trị giá 50 tỷ USD “không may mắn” của Mỹ

Giữa thập niên thứ nhất của thế kỷ XXI, Mỹ đã bắt đầu đưa ra một dự án máy bay ném bom chiến lược đầy hứa hẹn của mình. Cũng trong thời gian này, quân đội cùng ngành công nghiệp hàng không Mỹ đã tiến hành một số nghiên cứu để xác định các tính năng sẽ có cho một chiếc máy bay mới. Chương trình phát triển máy bay ném bom chiến lược của Mỹ đã trải qua rất nhiều lần đổi tên. Nó được xác định ban đầu có tên là Chương trình máy bay ném bom 2018, sau đó được gọi là “Next Generation Boomber-Máy bay ném bom thế hệ mới” (viết tắt là NGB). Cuối cùng chương trình được đặt tên là “Long range Strike Bomber-Máy bay ném bom tầm xa” (viết tắt là LRS-B).

img
Mô hình máy bay LRS-B của Mỹ. Ảnh: Topwar

Chương trình trên được đưa ra với mục đích tạo ra một loại máy bay ném bom chiến lược mới có khả năng thay thế các máy bay ném bom cũ B-52 và B-1. Đây vốn là những loại máy bay mà quân đội Mỹ chưa hoàn toàn hài lòng và muốn thay thế. Mục đích của dự án LRS-B như cái tên của nó cho thấy, Mỹ có kế hoạch tạo ra một chiếc máy bay ném bom chiến lược mới đầu tiên vào năm 2018. Nhưng sau khi xem xét kế hoách như vậy là quá tham vọng, chương trình đã chuyển sang tên tên mới NGB.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất trong giai đoạn đầu của dự án máy bay ném bom mới của Mỹ là sự xác định xem máy bay này thuộc loại mô hình nào. Ban đầu các chuyên gia đã lên các phương án so sánh để lựa chọn xem nó là máy bay có người lái hay không người lái, so sánh xem đó là máy bay cận âm hay siêu âm. Kết quả, LRS-B được lựa chọn theo mô hình máy bay ném bom có buồng lái tốc độ cận âm. Vì sau khi xem xét việc sử dụng công nghệ không người lái cũng như việc tạo ra một máy bay siêu âm là một lựa chọn không khôn ngoan.

Tên chương trình máy bay mới của Mỹ cũng tiết lộ quan điểm về chiếc máy bay mới mà Mỹ mong muốn. Đó là loại máy bay có khả năng bay đường dài, có thể tiến hành tuần tra trong những vùng xa xôi. Để làm được điều này, chiếc máy bay phải được thiết kế công nghệ tàng hình và sự dụng các hệ thống điện tử cho phép nó có được các dữ liệu cần thiết và thực hiện nhiệm vụ một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Lầu Năm Góc buộc phải làm việc trong điều kiện cắt giảm ngân sách quân sự liên tục. Vì thế không ít các dự án đang thực hiện phải đóng băng và trì hoãn tiến độ theo kế hoạch. Một trong những dự án “không may mắn” là dự án LRS-B. Trong vài năm qua, quân đội và Quốc hội Mỹ đã tranh luận về sự cần thiết phải có một máy bay có các tính năng như LRS-B đã vạch ra. Nhưng cho đến nay sự phát triển máy bay LRS-B vẫn chưa bắt đầu.

Trong năm 2011, tổng kinh phí được đề xuất cho chương trình LRS-B được hạn định không vượt quá 40-50 tỷ USD. Số tiền này đủ để mua khoảng 175 chiếc máy bay LRS-B, trang bị cho 10-12 phi đội ném bom, còn lại 55 chiếc máy bay dùng cho đào tạo và dự trữ. Thậm chí một số nguồn tin cho biết, kinh phí cho chương trình còn có thể bị cắt giảm, đi liền với nó là số lượng máy bay được sản xuất cũng giảm.
Vào tháng 2.2014, Không quân Mỹ công bố kế hoạch mới cho các máy bay ném bom chiến lược tiềm năng. Lần này kế hoạch sẵn sàng sản xuất máy bay hàng loạt được công bố bắt đầu vào nửa đầu thập kỷ 20 thế kỷ XXI. Trong giữa thập kỷ tới, Không quân Mỹ sẽ nhận được mẫu máy bay LRS-B đầu tiên. Số máy bay dự kiến phục vụ sẽ ở khoảng 80-100 chiếc. Số kinh phí cho dự án cũng chưa được xác định.

Theo một số thông tin cho biết, LRS-B được xác định là loại cận âm, có phạm vi hoạt động ít nhất 9.200 km, vũ khí gồm tên lửa và bom trang bị trên máy bay không vượt quá 12,7 tấn. Quân đội Mỹ yêu cầu trang bị cho LRS-B cả loại vũ khí hạt nhân. Đồng thời LRS-B có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, có công nghệ tàng hình cùng hệ thống chiến tranh điện tử công nghệ cao. Dự kiến các công ty Northrop Grumman, Boeing và Lokheed Martin sẽ cùng tham gia chế tạo LRS-B. Tuy nhiên phải đợi đến mùa thu năm nay mới biết được đích xác nhà sản xuất.

Theo Topwar.ru nhận định, việc thực hiện các dự án trên của Nga và Mỹ có những điểm tương đồng nhưng cũng có sự khác nhau rõ rệt. Trong khi chương trình PAK DA của Nga đã bước vào giai đoạn phát triển cơ bản thì chương trình LRS-B của Mỹ vẫn chưa đến giai đoạn bắt đầu. Tuy nhiên cả hai dự án đều hướng tới mục tiêu tung ra các máy bay ném bom chiến lược đầu tiên vào cuối thập kỷ này và dự kiến đưa vào phục vụ trong quân đội trong giữa thập kỷ 20. Về chi tiết kỹ thuật thì sự tương đồng và khác biệt của PAK DA và LRS-B có thể cần thêm thời gian để thảo luận, khi các dự án tiết lộ công khai thêm các chi tiết. Nhưng căn cứ vào quan điểm của hai nước về máy bay ném bom chiến lược trong tương lai thì có lẽ hai máy bay này sẽ khá khác nhau.