Theo nhận định của Tổ điều hành, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5.2011 đã tăng chậm lại. Trong các tháng tới, khả năng CPI tiếp tục tăng chậm lại do được hỗ trợ bởi sự giảm giá trên thị trường hàng hóa thế giới, đặc biệt là đối với mặt hàng dầu thô.
Kể từ đầu tháng 5 đến nay, giá dầu thô biến động theo chiều hướng giảm sẽ làm hạ áp lực đối với việc tăng giá xăng dầu trong nước. Cùng với đó, các chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ sẽ dần phát huy tác dụng.
Nhập khẩu phân bón qua Cảng Hải Phòng. |
Về nhóm hàng giá lương thực, thực phẩm, Tổ điều hành dự báo, giá lúa gạo nguyên liệu trong nước và xuất khẩu có thể giảm vì nhu cầu giảm sút và sự cạnh tranh từ các đối thủ xuất khẩu. Vụ mùa hè thu sắp sửa thu hoạch ở ĐBSCL cũng gây sức ép lên giá lúa gạo. Tuy nhiên, giá thịt gia súc, gia cầm và thủy hải sản bán lẻ sẽ vẫn đứng ở mức cao; duy chỉ có giá rau, củ dự báo sẽ giảm mạnh do vào mùa.
Giới chăn nuôi dự báo, khoảng giữa tháng 6, nguồn cung thịt lợn sẽ nhiều hơn và giá thịt lợn trên thị trường có thể hạ nhiệt. Tuy nhiên, Tổ điều hành vẫn cho rằng, giá thịt lợn sẽ còn diễn biến phức tạp. Hiện giá thịt lợn trên thị trường vẫn tiếp tục nhích tăng kéo theo các sản phẩm chế biến từ thịt như thịt quay, giò, chả...
Tổ điều hành cũng nhận định, lo ngại nhất hiện nay là giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp có thể sẽ có biến động tăng lên trong tháng tới, nhất là phân bón và thức ăn chăn nuôi. Thị trường phân bón tháng 5.2011 khá ổn định. Song giá các loại phân bón trên thị trường đều đã tăng nhẹ. Dự báo giá phân bón sẽ tăng mạnh trong tháng 6 ở cả 3 miền.
Với mặt hàng thức ăn chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng đến 6 lần, với mức tăng khoảng 20% so với hồi đầu năm. Tổ điều hành đã kiến nghị Bộ NNPTNT và Bộ Tài chính tăng cường kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi không để mặt hàng này tăng giá mạnh bất hợp lý trong tháng 6.
Mai Hương