Ba triệu hộ nghèo gặp khó
Báo cáo trước QH về tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2011, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cho biết, nền kinh tế đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn: Tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại; lạm phát tăng cao; mặt bằng lãi suất cao; tỷ giá, giá vàng biến động bất thường; dự trữ ngoại hối giảm mạnh; tổn thất do rét đậm, rét hại kéo dài đã tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.
Các đại biểu Quốc hội trao đổi bên lề phiên họp sáng 21.7. |
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6. 2011 tăng 13,29% so với tháng 12.2010, vượt xa chỉ tiêu 7% đề ra cho cả năm và áp lực tăng vẫn còn, rất khó khăn để giữ ở mức 17% vào cuối năm. Giá cả nhiều hàng hoá và dịch vụ tăng nhanh và đột biến, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân, trong đó đặc biệt là 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo...
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã kịp thời đưa ra 6 giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, do đó tình hình KT-XH nước ta 6 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, nhờ nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát giá cả, điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường, nên mức tăng giá tiêu dùng đã chậm lại và có xu hướng giảm (tháng 4 là 3,32%, tháng 6 còn 1,09%). Đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục được duy trì, nhất là đầu tư cho giảm nghèo, nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tổng vốn đầu tư 6 tháng đạt 409,7 nghìn tỷ đồng, bằng 38,3% GDP). Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ước đạt 5,57%.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, cho biết, bên cạnh những nguyên nhân khách quan khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng, yếu tố chủ quan xuất phát từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế (thâm hụt thương mại lớn và kéo dài, bội chi ngân sách cao nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp…) là những nguyên nhân chính. Do đó, cần được phân tích kỹ, đánh giá làm rõ nguyên nhân để tập trung chỉ đạo sát sao hơn.
Cần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội
Đồng tình với các giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm của Chính phủ, nhưng Ủy ban Kinh tế cho rằng cần tiếp tục kiên trì thực hiện một cách nhất quán và cương quyết. “Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt và chính sách tài khoá chặt chẽ. Trong điều hành cần linh hoạt, vừa phải đảm bảo đúng hướng, đúng lúc, đúng liều lượng nhằm hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi đối với đầu tư, sản xuất kinh doanh” - ông Hà Văn Hiền nhấn mạnh.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng cần khẩn trương rà soát để thống nhất tiêu chí cắt giảm, đình hoãn các dự án đầu tư công và có hướng dẫn đồng bộ, rõ ràng và kịp thời; đồng thời phải bảo đảm tính linh hoạt trên cơ sở đặc thù của từng địa phương, từng lĩnh vực, xem xét điều chuyển, bổ sung vốn cho các dự án thực sự cấp thiết, bảo đảm hiệu quả đầu tư xã hội; xử lý kịp thời các vướng mắc của các địa phương.
Về an sinh xã hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, nhưng cũng còn những chính sách chưa đi vào cuộc sống. “Chính phủ cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh đã có, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội. Thực hiện phương án điều chỉnh lương tối thiểu đối với người lao động trong các doanh nghiệp, có giải pháp hỗ trợ nhằm cải thiện đời sống sinh hoạt của người lao động ở khu công nghiệp” - Ủy ban Kinh tế đề nghị.
Nông nghiệp vẫn phát triển khá
Theo đánh giá của Chính phủ, sản xuất nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2011 gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp như rét đậm rét hại kéo dài ở miền Bắc; khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên... nhưng vẫn đạt kết quả khá. 6 tháng qua, ước giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá cố định đạt trên 107.000 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2010; Lúa đông xuân ước đạt 3.096,2 nghìn ha; Cả nước hiện có 26,3 triệu con lợn; hơn 8,5 triệu con trâu, bò và 293,7 triệu con gia cầm.
Hoàng Long