Ngay khi Bộ GDĐT đưa ra hướng dẫn chấm thi môn ngữ văn tốt nghiệp THPT 2013, các giáo viên dạy văn đã tỏ ra lúng túng vì những tiêu chí chấm bài. Thậm chí có trường phải họp tổ chuyên môn để thống nhất cách hiểu, cách chấm bài.
Khó phân định “những cách nghĩ”
Sự lúng túng này liên quan tới câu hỏi nghị luận xã hội. Cô Nguyễn Thị Ngọc Hân (giáo viên tổ văn một trường THPT tại TP.HCM) nhận định: “Hướng dẫn chấm thi của Bộ GDĐT ở câu bày tỏ suy nghĩ của bản thân về hành động dũng cảm của em Nguyễn Văn Nam có ghi: Không chấm điểm những bài viết suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực”. “Lệch lạc hay tiêu cực ở đây là gì? Chẳng lẽ khi thí sinh bày tỏ quan điểm: Em không hành động như Nam được vì em không biết bơi… thì liệu suy nghĩ đó có tiêu cực và không chấm điểm cho các em?”.
Học sinh một trường THPT ở Gia Lai trao đổi sau giờ thi. |
Theo cô Hân, chủ đích của đề văn năm nay mà Bộ GDĐT muốn truyền đạt đến các thí sinh là: Hãy suy nghĩ về thói ích kỷ, vô cảm mà bản thân đã và đang có; đồng thời hãy sống là người có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Chính vì vậy, khi bài thi mà các em thể hiện được như thế thì đã có thể lấy điểm rồi.
TS Phạm Ngọc Hiền (giảng viên Khoa Xã hội, Trường Đại học Sài Gòn) cũng có nhiều băn khoăn: “Đáng lẽ, đáp án nên thay chữ “bài làm” thành “ý” (“không cho điểm những ý có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực”). Vì trong một bài làm, có nhiều ý, đúng ý nào thì cho điểm ý đó chứ không vì một ý sai mà không cho điểm toàn bộ câu hỏi”.
Ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GDĐT
Vấn đề thứ hai, thế nào là “suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực”? Có một số suy nghĩ rõ ràng là tiêu cực, chẳng hạn như: Cứu người để nổi tiếng, để người đền ơn... Nhưng nếu thí sinh nêu các suy nghĩ sau thì có phải là tiêu cực không: Không biết bơi nên không thể cứu người, hoặc chỉ cứu được vài người, lượng sức mình không thể cứu hết nên thôi…. Theo ông Hiền, Bộ phải làm rõ các khái niệm đó.
Cũng cùng quan điểm này, ông Nguyễn Phi Hùng – giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp huyện Phú Hòa (Phú Yên) dẫn lại lời một thí sinh sau khi thi môn văn: “Em đó trả lời em không đồng tình câu 2 của đề thi, chẳng lẽ đề thi mong muốn các em cứu người rồi chết?”, nếu học sinh này viết vào bài làm như thế thì liệu có lệch lạc, tiêu cực không?”.
Ông Hùng cũng lo ngại, nền văn chương nước nhà từng có những tác phẩm bị chụp mũ là tiêu cực, phản động nhưng sau đó nhận ra văn bản có giá trị về nhân văn lẫn nghệ thuật, “vậy thì lấy gì để đảm bảo rằng những giám khảo (giáo viên dạy văn hiện nay) không hiểu sai bài làm của học sinh? Và hạ bút cho là lệch lạc, tiêu cực”- ông nói.
“Không thể phủ nhận hành động cao cả của Nam”
Đó là ý kiến của thạc sĩ văn học Trần Đăng Lộc- giáo viên Trường THPT Yên Thành 2 (Nghệ An). Ông Lộc nói: “Câu hỏi của đề thi lấy từ câu chuyện thật là bạn Nguyễn Văn Nam, lớp 12T7, Trường THPT Đô Lương 1 đã quên mình cứu 5 em nhỏ khỏi chết đuối. Đề thi có tính giáo dục đạo đức hơn hàng ngàn bài đạo đức suông. Tuy nhiên, có một số người nói rằng nếu Nam bình tĩnh hơn có thể dùng sào hay gọi người đến ứng cứu. Nhưng như thế thì 5 em HS có thể đã tử nạn rồi. Tôi không tin có ai đó phê phán hành động của Nam. Tôi nghĩ có lẽ bài làm của học sinh là ca ngợi thôi”.
Ông Nguyễn Huy Đông - giáo viên văn Trường THPT Nghi Lộc 4 (Nghệ An) cũng khẳng định: “Đề này là đề nghị luận xã hội mang hướng mở. Nhưng nó mở trong khuôn khổ cho phép. Tôi cho rằng cách hiểu lệch lạc là các em viết điều gì đó đi ngược lại đạo đức, vẻ đẹp của con người. Sự dũng cảm hy sinh cứu người là không tính toán thiệt hơn. Vì thế, tôi sẽ chấm bài dựa theo các tiêu chí này”.
Tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) ngày 8.6 tới sẽ có cuộc họp liên quan tới việc xác định những tiêu chí chấm môn văn.
Ông Đỗ Tấn Ngọc - Phó Hiệu trưởng cho biết: “Cuộc họp này để bàn “thế nào là tiêu cực” khi viết về em Nam và tổ trưởng tổ văn sẽ phải có kiến giải và thống nhất tiêu chí chấm giữa các tổ chấm văn, phải đưa ra các tình huống giả định để đảm bảo học sinh không bị thiệt thòi”.
Ông Ngọc cũng cho biết, trên mạng Internet có nhiều thông tin không ủng hộ hành động dũng cảm của em Nam, cho rằng đó là hành động nguy hiểm, thiệt thòi cho bản thân. “Tôi cho rằng đó là quan điểm quá thực dụng. Giáo dục học sinh là phải định hướng các em sống có lý tưởng, có bản lĩnh, biết cho và nhận. Cá nhân tôi thấy hầu hết các em làm bài đều ca ngợi và thương tiếc về sự ra đi của em Nam” - ông Ngọc nói.
Quốc Hải - Đức Tuấn - Tiến Dũng - Phạm Thanh