Đứa con bị ruồng bỏ
Nguyễn Trần Lâm (chuyển giới nam thành nữ, 17 tuổi, Đồng Hới, Quảng Bình) bỏ nhà vào Tp Hồ Chí Minh đi bụi đã được 3 năm. Em cho biết từ nhỏ, em đã bị bố đánh như cơm bữa vì “bán nam bán nữ”. Không những thế, ông còn cạo trọc đầu Lâm, cắt hết quần áo chỉ để em không thể ra đường, cặp kè với lũ bạn bè “biến thái, hư hỏng”. Mẹ Lâm không chửi mắng em nhưng chỉ biết khóc lóc, rồi lên chùa cúng bái để em hết “hồn trở về xác”. Bà luôn cho rằng em có một hồn nữ nhập vào người nên mới sống kiểu mượn thân xác như vậy. Ngay trong trường, em cũng bị các bạn kỳ thị, thường xuyên trêu chọc, ném gạch đá vào người. Lâm lúc nào cũng lầm lũi một mình, không bạn bè, không người chia sẻ, yêu thương.
Lang thang trên đường phố, trẻ em LGBT gặp rất nhiều rủi ro và cạm bẫy (Ảnh minh hoạ) |
Chính vì thế, em bỏ học ngang chừng, đi làm bưng bê cho mấy quán phở ở thị trấn. Nhưng đi làm em cũng thường xuyên bị chọc ghẹo, bị bà chủ chửi mắng vì cái đồ “dị hợm”. Lúc đó, có một người bạn rủ rê vào Nam kiếm sống, em đã quyết tâm ra đi, trong túi chỉ có tiền lương hơn 500.000 đồng. Cuộc sống không dễ dàng như “kiếm bộ đánh giầy hơn 100.000 đồng là kiếm cơm no cả tháng” như bạn em vẽ vời.
Ngay ngày đầu tiên xách bộ đồ nghề đi trên phố, Lâm đã bị một nhóm trẻ đánh giầy quây vào một góc phố, đánh dằn mặt cho em một trận rồi cướp bộ đồ nghề, cướp nốt số tiền còn lại trong túi. Suốt hai ngày, Lâm vừa chịu đau, vừa chịu đói. Buổi tối, em vạ vật trên đường, một anh trai đi ngang qua, thấy Lâm liền ngỏ ý đưa em về nhà giúp đỡ. Như chết đuối vớ phải cọc, Lâm theo anh giai về nhà. Trong bụng em còn thầm cảm ơn trời phật run rủi để cho em gặp người tốt, nếu không, em có thể sẽ chết đói trên đường.
Người đàn ông cho em ăn uống no nê, bảo em tắm giặt, nghỉ ngơi, cho em cả một bột quần áo mới sạch sẽ. Là bộ quần áo đẹp nhất mà từ trước em đã có. “Khi mặc nó vào người, em đã rưng rưng muốn khóc. Em nhớ đến mẹ em” - Lâm kể lại. Nhưng em không thể ngờ, cuộc đời em đã rẽ sang bước ngoặt khác. Đêm đó, khi em đang ngủ say, gã trai đó đã vào giường… sờ lần và năn nỉ “em thương lấy anh, rồi anh sẽ cho em nhiều tiền”. Sợ hãi, bối rối và lệ thuộc vào sự ban ơn, Lâm đã để mặc anh ta muốn làm gì mình thì làm… Sáng hôm sau, anh ta đưa cho Lâm 200.000 đồng rồi bảo em đi.
Số tiền đó chỉ giúp em dè sẻn mua bánh mì chay ăn và nước uống trong 5 ngày. Không kiếm được việc, em lại lang thang ngoài đường và được một người đàn ông rủ đi… chơi. Đối với Lâm, người tử tế là sẽ chỉ mua dâm mà không hành hạ em. Nhưng cũng có kẻ vừa đánh đập, la mắng, vừa bắt em chiều chuộng đủ kiểu. Khiến không chỉ thân thể mà tâm hồn em cũng rạn vỡ. Nhưng vì sợ đói, em vẫn cắn răng chịu đựng.
Sau 3 năm hành nghề mại dâm, Lâm đã học được nhiều kinh nghiệm xương máu. Em cũng đã kết thân với một nhóm bạn đồng tính cũng lang thang như em để tự bảo vệ nhau. Mỗi đứa một nghề như đánh giầy, bán trà đá, làm thuê, hát đám ma và mại dâm. Nhiều bạn của Lâm còn bị nghiện hút, nên không ít đứa phải phạm pháp kiếm tiền mua thuốc.
“Bọn em đều khốn khổ, bầu ra một đứa nhóm trưởng rồi bao bọc nhau. Đứa nào kiếm được tiền thì mua đồ ăn cho đứa ế khách. Cũng có hôm, cả nhóm ngồi vêu với nhau. Nhưng được cái có hội rồi thì không sợ bị bắt nạt, cướp giật” - Lâm cho biết. Lâm không biết tương lai mình đi đến đâu, nhưng ở bên cạnh bạn bè, em thấy mình không bị lạc lõng, không bị dè bỉu.
Nguy cơ bệnh tật
Nghiên cứu định tính về trẻ em đường phố đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) năm 2012 của Viện nghiên cứu xã hội môi trường và kinh tế iSEE cho thấy, trẻ em LGBT đường phố thường bỏ nhà đi vì không chịu nổi sự kỳ thị và bạo lực trong gia đình khi bố mẹ biết về giới tính của các em. Lý do mà cha mẹ không chấp nhận tình dục đồng giới vì cho rằng đó là “thứ” bệnh hoạn, băng hoại đạo đức, một bệnh lây truyền cần phải rũ bỏ. Tuy nhiên, cũng nhiều em bỏ nhà đi bụi vì cảm giác trống trải không có ai chia sẻ, đồng cảm về xu hướng tính dục của mình. Nhất là ở môi trường nông thôn, các em luôn có cảm giác cô độc với cộng đồng xung quanh, luôn thắc mắc, nghi vấn về bản thân mình do hầu như không có cơ hội tiếp nhận thông tin về đa dạng tình dục, không có cơ hội gặp gỡ những người đồng tính như mình.
“Lên thành phố, gặp gỡ các bạn đồng tính khiến các em có cuộc sống cân bằng hơn, mặc dù túng thiếu và rủi ro nhiều hơn” -TS Lê Quang Bình - Viện trưởng iSEE cho biết.
Trong nghiên cứu, tất cả các em sống ở công viên đều hành nghề mại dâm ở những cấp độ khác nhau. Với một số em chuyển giới từ nam sang nữ và “phem” (đồng tính nữ nhưng có bản dạng giới nữ tính) thì việc “làm gà” (từ lóng chỉ hành nghề mại dâm) đơn giản chỉ là chuyện cơm bữa. Các em thoát khỏi bạo lực gia đình nhưng lại rơi ngay vào cạm bẫy đường phố, bị đánh đập, hiếp dâm, bị ép bán dâm, bị trấn lột hoặc đói khát, ốm đau.
Theo ông Bình, không có tiền, không có giấy tờ nên các em thậm chí không có một chỗ ngủ ổn định, dài hạn. Các em thường thuê nhà theo ngày và sống chung với nhau. Hoặc bí bách có thể “đi bụi” ở công viên, vỉa hè. Do ăn ngủ thất thường, đa số các em đều bị chứng đau dạ dày và kiệt sức. Tuy nhiên, các em cũng không có tiền đi khám bệnh mà chỉ tự “mô tả” cho người bán thuốc “chẩn đoán” và “kê đơn”. “Em và mấy bạn đồng tính nữ có bề ngoài như nam giới còn sợ đi khám, vì luôn bị soi xét này nọ, hỏi mày là nam hay nữ, sao nữ mà không ra nữ, bố mẹ chúng mày thật bất hạnh...
Nếu mà bị bệnh lây truyền qua đường tình dục thì tốt nhất là nên tự nhờ mấy bạn từng bị các triệu chứng như vậy tự “kê đơn” rồi đi mua thuốc. Vì đi khám, nếu họ biết tụi em quan hệ đồng tính là họ nhăn mặt kinh tởm. Có bạn từng bị đuổi khỏi phòng khám vì “tao không khám cho cái lũ dị hợm”. Có bạn lại bị đẩy từ phòng nam khoa sang phụ khoa và ngược lại chỉ vì các bác sĩ không khám cho “bán nam bán nữ” - Lili (chuyển giới nữ) cho biết.
Ngoài ra, việc bán dâm hoặc quan hệ tình dục với nhiều bạn tình không an toàn khiến các em có nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV rất lớn. Tuy nhiên, do không có tiền, các em lại tiếp tục chịu đựng, đến lúc không chịu được…
“Sự kỳ thị từ trong gia đình và ngoài xã hội đã đẩy các em LGBT ra đường phố, cô lập các em, khiến các em chịu nhiều rủi ro và đau khổ hơn bao giờ hết” - TS Lê Quang Bình cho biết.
Diệu Linh