Đây cũng là một trong những hạng mục nằm trong dự án có tổng mức 201 triệu USD. Cụ thể, dự án nắn dòng chảy sông Hồng đoạn qua Hà Nội được chia làm 3 hạng mục, gồm xây dựng hệ thống kè có hình chữ U theo hướng dòng chảy bọc gần kín bãi nổi Nhật Tân (thuộc phường Nhật Tân, phường Phú Thượng - quận Tây Hồ); xây dựng một bức tường kè để nắn dòng chảy chếch hẳn về phía huyện Đông Anh, thay vì khu vực quận Tây Hồ, xây dựng hệ thống kè bờ sông Hồng đoạn địa phận Tàm Xá (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh) và khu vực thuộc cống Liên Mạc (huyện Từ Liêm).
Sông Hồng sau khi chảy qua cầu Thăng Long sẽ được nắn dòng chảy chính qua phía huyện Đông Anh, dòng chảy phía quận Tây Hồ sẽ trở thành dòng phụ.
Theo đại diện Phòng lý dự án vốn nước ngoài - Cục Đường thủy nội địa, bức tường bê tông cốt thép bọc bãi nổi Nhật Tân nhằm cố định bãi nổi, không để lượng cát lớn trên bãi dịch chuyển, ảnh hưởng tới giao thông đường thủy.
"25 triệu USD nắn dòng chảy sông Hồng đoạn qua Hà Nội chỉ là hạng mục nhỏ thuộc Dự án phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (dự án WB6). Dự án này có tổng mức đầu tư 201,5 triệu USD, trong đó 171,5 triệu USD là vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và 30 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam" - Thông tin từ Phòng lý dự án vốn nước ngoài cho biết.
Theo đó, mục tiêu của dự án này là thực hiện nâng cấp các hành lang đường thủy quốc gia (từ Việt Trì - Quảng Ninh, Hà Nội - Lạch Giang), nâng cấp cửa sông Ninh Cơ và kênh nối Đáy - Ninh Cơ, nâng cấp cảng Việt Trì và cảng Ninh Phúc, các bến khách ngang sông thuộc 14 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ… Dự án này dự kiến kết thúc vào tháng 6.2014.
Hiện tại, Cục Đường thủy nội địa cũng đang thực hiện các thủ tục để xin thêm 75 triệu USD với lý do điều chỉnh vốn dự án.
Trước đó, vào giữa tháng 5.2013, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phải làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc để tiến độ thực hiện và giải ngân Dự án Phát triển GTVT đồng bằng sông Hồng sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB6) quá chậm.
Theo đó, tại cuộc họp đánh giá tiến độ các công trình hạ tầng giao thông sử dụng vốn vay WB được tổ chức vào tháng 5.2013, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (VIWA) - chủ đầu tư phải “kiểm điểm, rút kinh nghiệm” do đã để Dự án WB6 “mắc cạn”, vừa “thủng” về tiến độ, vừa phát sinh thêm rất nhiều chi phí.
Với sản lượng giải ngân tính đến hết quý I/2013 mới đạt hơn 24% giá trị (20 triệu USD vốn vay và 98 tỷ đồng vốn đối ứng), trong khi Dự án chỉ còn đúng 1 năm thực hiện đã khiến Bộ GTVT không thể hài lòng với công tác điều hành quản lý dự án của VIWA.
Theo thừa nhận của Ban quản lý các dự án đường thủy phía Bắc, đại diện chủ đầu tư Dự án, ngay cả khi toàn bộ hợp đồng xây lắp thuộc Hợp phần A, trị giá 147 triệu USD (trong đó có các gói thầu quan trọng nhất như nạo vét cửa Lạch Giang, nâng cấp hai cảng, hành lang 3, sông Ninh Cơ) được trao thầu vào giữa tháng 7.2013, thì đơn vị này chỉ có thể “gồng” khối lượng giải ngân đến cuối năm 2013 lên 70 triệu USD.
Trên thực tế, việc vào giữa tháng 3.2013, Bộ trưởng Bộ GTVT đã phải ký quyết định điều chỉnh kế hoạch đấu thầu một số hợp đồng thuộc Hợp phần A tới tận quý III/2013, bao gồm 6 gói thầu cần 24 tháng thi công, tiến độ Dự án coi như được mặc định là phải lùi đến cuối năm 2015 mới có thể hoàn thành, thay vì tháng 6.2014 như cam kết với nhà tài trợ.
Không chỉ bị lụt tiến độ, để có thể hoàn thiện tuyến vận tải thủy từ cửa Lạch Giang qua kênh nối Đáy Ninh Cơ tới cụm cảng Ninh Phúc, đảm bảo các mục tiêu ban đầu của Dự án, chủ đầu tư đã phải kiến nghị Chính phủ bổ sung thêm khoảng 95 triệu USD vốn vay ODA và 37 triệu USD vốn đối ứng.
Được biết, ngoài mưa lũ bất thường, công tác giải phóng mặt bằng phức tạp hơn dự kiến là những lý do mà Ban quản lý các dự án đường thủy phía Bắc nêu ra để giải thích cho việc tổng mức đầu tư Dự án bị đội lên gần 60%.