Ngày 6.6, Công an TP.Huế công bố kết quả bước đầu của việc điều tra đường dây sản xuất bột ngọt giả quy mô lớn với sự tham gia của nhiều đối tượng.
Trước đó, lúc 16h ngày 30.5, sau một quá trình điều tra, lực lượng trinh sát của Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP.Huế phát hiện Lê Quý Hiệp (SN 1950, ngụ 3/141 Phan Đình Phùng, TP.Huế) đang vận chuyển 200 gói bột ngọt giả mang nhãn hiệu Thai Fermenttiom. Qua đấu tranh, Hiệp khai số bột ngọt này có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được “phù phép” thành bột ngọt mang nhãn hiệu Thai Fermenttiom.
Bao bì bột ngọt mang các nhãn hiệu nổi tiếng được các đối tượng trong đường dây nhập về từ TP.Hồ Chí Minh. |
Kiểm tra nơi ở của Hiệp, lực lượng công an phát hiện thêm gần 700 gói bột ngọt mang các nhãn hiệu Thai Fermenttiom, Ajnomoto, Miwon, A-one, Safi và 11.400 mẫu vỏ bao bì bột ngọt mang các nhãn hiệu trên cùng nhiều phương tiện để sản xuất bột ngọt giả. Mở rộng điều tra theo lời khai của Hiệp, lực lượng công an tiếp tục phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất, buôn bán bột ngọt giả.
Tại nhà của các đôi tượng Nguyễn Thị Ánh Minh (SN 1983, ngụ 76 Tạ Quang Bửu, TP.Huế), Lê Thị Lan (8/8 Ngô Đức Kế, TP.Huế), Lê Thị Lập (SN 1964, ngụ số 7 Hoàng Xuân Hãn, TP.Huế), cơ quan công an đã phát hiện hàng nghìn gói bột ngọt giả và vỏ bao bì mang các nhãn hiệu Ajnomoto, Miwon, Thai Fermenttiom, Safi… và lượng lớn bao bột ngọt Trung Quốc (loại 25kg/bao) cùng nhiều phương tiện sản xuất bột ngọt giả.
Cơ sở sản xuất bột ngọt giả tại nhà của Lê Quý Hiệp. |
Trên cơ sở đó, cơ quan công an xác định đối tượng Trần Thị Mỹ Hương (SN 1972, ngụ 2/14/96 Đặng Thái Thân, TP.Huế) là người trực tiếp cung cấp bột ngọt có nguồn gốc từ Trung Quốc cho các cơ sở sản xuất bột ngọt giả của Hiệp, Lan, Minh, Lập. Hương cũng là người cung cấp các bao bì mang các nhãn hiệu bột ngọt nổi tiếng để các đối tượng trên sản xuất hàng giả.
Đến ngày 6.6, cơ quan công an đã thu giữ 8 tạ bột ngọt giả các loại, 15.400 mẫu vỏ bao bì, 140 bao tải bột ngọt Trung Quốc và nhiều phương tiện sản xuất, tiêu thụ bột ngọt giả. Theo lời khai ban đầu của các đối tượng trong đường dây, sau hơn 3 tháng thực hiện hành vi sản xuất bột ngọt giả, chúng đã sản xuất khoảng 8 tấn bột ngọt giả và trung bình mỗi ngày có gần 2 tạ bột ngọt loại này được tiêu thụ tại các địa phương ở Thừa Thiên- Huế và Quảng Trị.
Lượng lớn bột ngọt giả được làm từ bột ngọt Trung Quốc nhập lậu đã được tuồn ra thị trường và đầu độc người tiêu dùng. |
Đặc biệt, sau khi sản xuất bột ngọt giả, một số đối tượng trong số này còn đưa hàng giả lên cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) sau đó nhập trở lại vào các địa bàn để đánh lừa khách hàng. Trong đó, loại bột ngọt giả mang nhãn hiệu Thai Fermenttiom được chúng sử dụng thủ đoạn này nhiều nhất.
Theo thông tin ban đầu, loại bột ngọt Trung Quốc các đối tượng trên dùng để sản xuất bột ngọt giả là hàng nhập lậu, không bảo đảm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, hành vi của các đối tượng đã đầu độc sức khỏe lượng lớn người tiêu dùng. Loại bao bì bột ngọt mang các nhãn hiệu Thai Fermenttiom, Ajnomoto, Miwon, A-one, Safi mà các đối tượng trên sử dụng để làm hàng giả được cung cấp bởi một đường dây tại TP.HCM.
Hiện Công an TP.Huế đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để làm rõ các đối tượng liên quan khác.
An Sơn