Đầu giờ sáng nay, (10.6), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã báo cáo một số vấn đề về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm (PTN), bỏ PTN đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Ảnh minh họa |
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động lấy PTN lần này: "Đây là lần đầu tiên Quốc hội dùng quyền giám sát tối cao của mình đối với vấn đề nhân sự. Đây cũng là lần đầu tiên của thế giới vì chưa nước nào làm như chúng ta cả, rất đặc biệt”.
Chủ tịch cũng khẳng định thêm, các ĐB sẽ phải thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện nhiệm vụ vô cùng quan trọng là đánh giá các chức danh chủ chốt trong bộ máy Nhà nước và chính các ĐB đã bầu từ đầu nhiệm kỳ. “Việc này khiến cho các ĐB phải cân nhắc cẩn trọng, công tâm và thực sự khách quan trong đánh giá”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ.
Với bản thân, khi vừa là người được lấy PTN vừa là người tham gia bỏ phiếu, Chủ tịch Quốc hội cho biết, vừa hồi hộp chờ xem Quốc hội đánh giá mình ra sao để tiếp tục phấn đấu, vừa phải làm sao để đánh giá một cách chính xác nhất trong lá phiếu của mình, dù đó chỉ là một động tác đơn giản, nhưng ý nghĩa lại rất lớn lao.
Ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, các ĐBQH đã biểu quyết danh sách 47 người được Quốc hội lấy PTN với tỷ lệ tán thành là 95%.
Nửa cuối buổi sáng, Quốc hội sẽ thảo luận ở Đoàn và vào 15 giờ chiều nay, Quốc hội sẽ họp phiên toàn thể tại hội trường báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn và báo cáo về các vấn đề có liên quan tới việc lấy PTN và người được lấy PTN.
Quốc hội sẽ bầu Ban kiểm phiếu và tiến hành lấy PTN bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả cụ thể sẽ được công bố vào sáng mai, 11.6. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Quốc hội sẽ công bố cụ thể trước các ĐB và công khai cho báo giới số phiếu của từng chức danh trong số 47 chức danh được lấy PTN, trong đó nêu cụ thể số phiếu “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” của từng người.
- Các ĐBQH đã nghiên cứu báo cáo tự đánh giá kết quả hoạt động phẩm chất, đạo đức, lối sống của các chức danh được lấy PTN. Báo cáo này được làm đúng với quy định của QH.
- Tình hình KT – XH, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và công tác tư pháp của đất nước, từ tình hình thực tiễn để soi trở lại kết quả bộ máy Nhà nước nói chung và của các chức danh được Quốc hội bầu, phê chuẩn. Cũng từ những chuyển biến và kết quả có thể nói lên nỗ lực và những tồn tại, yếu kém mà chậm khắc phục, chưa khắc phục được cần phải có thời gian. Đây là căn cứ hết sức hệ trọng, đây là thông tin rộng khắp, đồng bào, cử tri đều biết, các vị ĐBQH thông qua hoạt động của mình với tư cách là đại diện cho cử tri tại nơi bầu và cả nước đều biết, đều có thể xem xét và đánh giá một cách toàn diện.
- Kết quả hoạt động của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay theo chức năng nhiệm vụ và thông qua chức năng nhiệm vụ, công tác lập pháp, công tác quyết định những vấn đề quan trọng, nghe, xem xét, cân nhắc, quyết định và tổ chức tiếp xúc cử tri, tổ chức giám sát các hoạt động của bộ máy Nhà nước từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kể cả các hoạt động chất vấn tại nghị trường. Có thể nói, chất vấn, báo cáo, giải trình và những kết luận, đánh giá của Quốc hội trước khi ban hành những nghị quyết trong các kỳ họp là những căn cứ hết sức quan trọng để xem xét từng lĩnh vực một và kiến nghị của cử tri cả nước.
- Căn cứ quan trọng nhất chính là đánh giá của bản thân mỗi ĐBQH, tính khách quan, thận trọng, chính xác và tính lịch sử xem xét vấn đề trong quá trình; sự thận trọng, chính xác công tâm của ĐBQH sẽ quyết định chất lượng của hoạt động QH.
(Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng)
1. Trương Tấn Sang – Chủ tịch nước
2. Nguyễn Thị Doan – Phó Chủ tịch nước
3. Nguyễn Sinh Hùng – Chủ tịch Quốc hội
4. Uông Chu Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội
5. Nguyễn Thị Kim Ngân – Phó Chủ tịch Quốc hội
6. Tòng Thị Phóng – Phó Chủ tịch Quốc hội
7. Huỳnh Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Quốc hội
8. Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường
9. Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm UB Kinh tế
10. Trần Văn Hằng – Chủ nhiệm UB Đối ngoại
11. Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách
12. Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm UB Tư pháp
13. Nguyễn Kim Khoa – Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh
14. Phan Trung Lý – Chủ nhiệm UB Pháp luật
15. Trương Thị Mai – Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội
16. Nguyễn Thị Nương – Trưởng Ban Công tác đại biểu
17. Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
18. Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc
19. Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng
20. Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng Chính phủ
21. Hoàng Trung Hải – Phó Thủ tướng Chính phủ
22. Nguyễn Thiện Nhân – Phó Thủ tướng Chính phủ
23. Vũ Văn Ninh – Phó Thủ tướng Chính phủ
24. Nguyễn Xuân Phúc – Phó Thủ tướng Chính phủ
25. Hoàng Tuấn Anh – Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch
26. Nguyễn Thái Bình – Bộ trưởng Nội vụ
27. Nguyễn Văn Bình – Thống đốc Ngân hàng nhà nước
28. Phạm Thị Hải Chuyền – Bộ trưởng Lao động, thương binh và xã hội
29. Hà Hùng Cường – Bộ trưởng Tư pháp
30. Trịnh Đình Dũng – Bộ trưởng Xây dựng
31. Vũ Đức Đam – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
32. Vũ Huy Hoàng – Bộ trưởng Công thương
33. Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo
34. Phạm Bình Minh – Bộ trưởng Ngoại giao
35. Cao Đức Phát – Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
36. Giàng Seo Phử - Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Dân tộc
37. Trần Đại Quang – Bộ trưởng Công an
38. Nguyễn Minh Quang – Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường
39. Nguyễn Quân – Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ
40. Nguyễn Bắc Son – Bộ trưởng Thông tin và truyền thông
41. PHùng Quang Thanh – Bộ trưởng Quốc phòng
42. Đinh La Thăng – Bộ trưởng Giao thông – Vận tải
43. Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Y tế
44. Huỳnh Phong Tranh – Tổng Thanh tra Chính phủ
45. BÙi Quang Vinh – Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư
46. Trương Hòa Bình – Chánh án TAND tối cao
47. Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng VKSND tối cao
Hải Phong