Đám tang tập thể
11 đám tang diễn ra sáng và chiều nay tại nghĩa địa đồng Đồn. Chưa bao giờ thảm hoạ và đau thương tang tóc lại ập xuống vùng quê nghèo này như hôm nay.
Những đám tang này chủ yếu là người của xóm Đăng Lưu và xóm Hợp Thành. Tại nghĩa địa, hai cháu nhỏ Phan Công Đại (12 tuổi) và Phan Công Lợi (6 tuổi) đi sau quan tài của mẹ, là chị Vũ Thị Thuỷ (sinh 1980) ở xóm Đăng Lưu mắt vẫn ngơ ngác nhìn quanh.
Lợi nói: “Chú ơi, mẹ đi mô mà hôm qua đến giờ chưa về hả chú?” Câu hỏi của ngây thơ của cháu nhỏ làm ai cũng nghẹn ngào. Hiện nay bố cháu bé đi làm ăn xa vẫn chưa về kịp để đám tang cho vợ.
Cạnh đám tang chị Thuỷ là đám tang hai chị em dâu Phan Thị Tam (62 tuổi) và Nguyễn Thị Lộc (37 tuổi). Sáng hôm xảy ra vụ sập mỏ, mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vì muốn kiếm thêm đồng vào lúc giáp hạt nên bà Tam rủ thêm cô em dâu cùng với cô em con cậu Nguyễn Thị Thủy (31 tuổi) ra mỏ đá, không ngờ đó cũng là chuyến đi cuối cùng của ba chị em.
Ba đám tang cùng một gia đình không còn nỗi đau nào hơn thế. Trên đường đám tang chốc chốc mọi người lại đưa một người nhà các nạn nhân đi cấp cứu vì họ không chịu nổi cú sốc quá lớn.
Đi sau là đám tang chị Nguyễn Thị Quyên (25 tuổi), người đang mang thai bị chết thảm. Chị Quyên là nạn nhân đáng thương nhất trong vụ sập mỏ, gia đình thuộc diện hộ nghèo, chồng phải đi làm thuê kiếm sống, một mình chị ở nhà đi làm phu đá để cố dành ít tiền vừa nuôi con nhỏ vừa chuẩn bị sinh con thì bị tử nạn. Chồng chị cũng chưa kịp về lo đám tang cho vợ.
Khi chúng tôi đến xóm Sơn Thành thì đám tang chị Nguyễn Thị Sáu cũng vừa ra khỏi ngõ. Trong tiếng trống tang, tiếng khóc như xé trời chiều ấy, bốn đứa con nằm lăn lóc dưới quan tài mẹ. Chồng chị Sáu mới chết cách đây 2 năm vì bạo bệnh, để lại cho chị 4 đứa con thơ. Chị đi làm phu đá để kiếm thêm tiền nuôi con, nhưng...
Tại các xã Lý Thành, Bắc Thành, Liên Thành cũng đang tổ chức đám tang cho những nạn nhân xấu số chiều nay.
Tiến Dũng