Dân Việt

Bản Ro Ró mơ có điện, có đường...

04/04/2011 16:40 GMT+7
(Dân Việt) - Nằm cách cột mốc biên giới R15 Việt – Lào 2 cây số, bản Ro Ró (xã A Vao, Đakrông, Quảng Trị) dường như đang bị bỏ quên, người dân đứng bên lề của những tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Ngày mới bắt đầu, công việc đầu tiên mà người phụ nữ ở đây thường làm là mài cây rựa cho thật sắc để lên nương.

img
Một lớp học ở bản Ro Ró.

Quanh năm thiếu ăn

Bản Ro Ró có 77 hộ dân với 410 nhân khẩu, tất cả đều là đồng bào dân tộc Pa Kô. Cả bản có 3ha lúa nước 1 vụ, năng suất thấp chưa đâu bằng, 15-17 tạ/ha. Người Pa Kô phải phát rừng để trồng cây sắn, cây ngô. Quanh năm dù vất vả trèo đèo leo dốc, đi bộ xa hàng chục cây số để bám nương bám rẫy, nhưng đến vụ thu hoạch cũng chẳng được bao nhiêu.

"Mỗi năm miềng thu được 4 bao ngô và sắn khô, còn lúa thì được 2 tạ. Cả nhà có đến 11 miệng ăn nên thường xuyên thiếu đói"- chị Kăn Vàng (40 tuổi) cho biết.

Để tránh bị đứt bữa, dân bản xoay qua trồng chuối kiếm tiền mua lương thực. Gắn bó với cây chuối, trung bình mỗi nóc nhà có từ 500-700 gốc. Nhưng vì đường sá đi lại khó khăn, không ai vào bản để mua, thành ra mọi người lại phải gùi chuối đi bộ cả buổi mới đến được trung tâm xã A Vao bán lấy tiền đong gạo, mua dầu thắp sáng. Mỗi buồng chuối 14, 15 nải trĩu quả cũng chỉ được 15-30 nghìn đồng.

Già Kôn Vàng - Trưởng bản, thở dài: “Đời sống của bà con ở Ro Ró còn nhiều khó khăn lắm, địa hình đất đèo dốc, ruộng không giữ được nước, trỉa lúa không tốt, chỉ biết trồng cây chuối, cây sắn thôi...”.

Ước có đường, có điện...

Bản làng heo hút giữa rừng già, không được tiếp xúc với cuộc sống hiện đại, ý thức về việc sinh ít con để đuổi "con ma đói" dường như chưa ai được nghe. Vì thế, dân số phát triển nhanh. Ở Ro Ró, gia đình ít nhất cũng có 5-7 đứa con, nhiều lên đến 9-10 đứa. Không nói đâu xa, ngay Trưởng bản Kôn Vàng, mới 40 tuổi đời mà đã có đến 9 đứa con nheo nhóc.

Ước mơ lớn nhất của dân bản bây giờ là có một con đường để đi lại, có một phòng học, có cái điện sáng và xây nhà ở cho các cô giáo yên tâm truyền cái chữ cho con em.

Những đứa trẻ ở đây, ngoài thời gian tới lớp, chúng theo chân cha mẹ lên rẫy xới đất trỉa ngô, đào củ mài hoặc lang thang đâu đó trong rừng rậm, ngâm mình trong dòng nước suối lạnh ngắt để bắt con chim, con cá. Điều kiện khó khăn, chữ nghĩa đã ít lại rơi rụng dần theo những giọt mồ hôi mặn chát trên nương. Cha mẹ nghèo, chẳng ai mặn mà đến chuyện học hành của con cái. Cái sự học bị cái nhọc nhằn, nghèo khó che lấp đi cả.

Ông Pả Đương - Bí thư Chi bộ bản, tha thiết: “Ước mơ lớn nhất của dân bản bây giờ là có được một con đường để đi lại và trao đổi hàng hóa; có một phòng học; có cái điện sáng; và xây nhà ở cho các cô giáo yên tâm truyền cái chữ cho con em".

Chia tay bà con trong bản, chúng tôi lặng thinh không dám nói rằng những ước mơ của họ, thật chính đáng, thật giản dị, nhưng còn rất xa vời. Nhưng ít nhất họ cũng còn ước mơ.