Có quan điểm cho rằng hiện các đại biểu kiêm nhiệm tham gia với tỷ lệ cao đã ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của Quốc hội. Quan điểm của ông?
- Thực ra, các đại biểu kiêm nhiệm cũng có thế mạnh như lãnh đạo ở các bộ, ngành, địa phương, họ am hiểu về các lĩnh vực phụ trách, còn đại biểu là cán bộ cơ sở, như thầy giáo, bác sĩ… thể hiện được nguyện vọng của cử tri vì họ gần gũi với cử tri. Tuy nhiên, những đại biểu kiêm nhiệm cũng có những hạn chế về thời gian, bận công việc nên ít khi nghiên cứu sâu các tài liệu của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) phát biểu thảo luận tại hội trường trong một kỳ họp của Quốc hội khoá XII. |
Một điểm hạn chế nữa là đại biểu ở các địa phương nhiều khi cũng có sự vướng víu nhất định trong việc thể hiện tâm tư tình cảm của cử tri, có thể do ngại va chạm hoặc sợ gây bất lợi cho địa phương... Theo tôi, vẫn nên có cả đại biểu kiêm nhiệm trong Quốc hội.
Có nhiều đại biểu trong nhiều kỳ họp không phát biểu lần nào, như vậy có ảnh hưởng tới việc phản ánh nguyện vọng của cử tri tới Quốc hội?
- Quả thực là cử tri không hài lòng đối với các đại biểu không phát biểu bao giờ. Có một đại biểu (là bác sĩ nổi tiếng) đã ghi chép diễn biến 2 khóa Quốc hội thì thấy có khoảng hơn 100 đại biểu chưa từng phát biểu một lần nào.
Đó đúng là một vấn đề đáng buồn. Nếu một người không tham gia Quốc hội, có thể phát biểu hoặc không phát biểu chính kiến của mình, nhưng đã làm đại biểu Quốc hội, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân cần phải tích cực hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Ông Nguyễn Minh Thuyết
Có thể nói, đây là điều các đại biểu cần suy nghĩ. Quốc hội cũng phải có giải pháp nào đó để huy động được sự đóng góp ý kiến của tất cả mọi người. Tuy nhiên, không có Quốc hội nước nào có chế tài "phê bình việc không phát biểu".
Vì thế, vai trò của cử tri rất quan trọng. Trước hết, cử tri phải thử thách đại biểu của mình để chọn được những người mình tin tưởng gửi gắm. Đặc biệt, tại buổi tiếp sau kỳ họp, cử tri có quyền hỏi xem đại biểu có phát biểu không, có trúng với nguyện vọng không, nếu không phải chất vấn. Qua đó, đại biểu sẽ phải làm tốt hơn công việc đại diện cho dân.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng của đại biểu Quốc hội, theo ông cần có những điều kiện tiên quyết gì?
- Theo tôi, có ba vấn đề liên quan tới chất lượng hoạt động của đại biểu là: Sự lựa chọn của tổ chức; sự tự nguyện của ứng cử viên và sự lựa chọn của người dân. Hiện nay, phần lớn ứng cử viên của mình thụ động, tổ chức phân công mới ra ứng cử.
Theo tôi, nếu không sẵn sàng làm đại biểu thì không nên ứng cử. Còn vấn đề tổ chức chọn, bao giờ cũng phải phụ thuộc vào cơ cấu. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng phải hàng đầu, không phải vì cơ cấu mà làm ảnh hưởng tới chất lượng. Ngoài ra, người dân phải chủ động, chính quyền là của mình, do mình tạo ra cả, nếu yếu là tại chính mình.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Xuân (thực hiện)