Theo Bộ TNMT, sau 8 năm thực hiện Quyết định 64, trong tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý trong giai đoạn 1 (2003 - 2007), đến nay có 338 cơ sở hoàn thành các biện pháp xử lý, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 101 cơ sở đang triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm.
Sông Nhuệ đoạn chảy qua Thanh Trì, Hà Nội. |
Trong số 62 tỉnh, thành phố có cơ sở thuộc Quyết định 64, mới có 15 địa phương hoàn thành xử lý toàn bộ cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng; 43 địa phương hoàn thành ở mức từ 50 đến trên 75%; 4 địa phương là Bến Tre, Sơn La, Hưng Yên và Điện Biên chưa xử lý được một nửa số cơ sở gây ô nhiễm. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đạt tỷ lệ xử lý triệt để cao nhất (85,4%), tiếp đến là các kho thuốc bảo vệ thực vật; các cơ sở bệnh viện; hiện vẫn còn tới 80% làng nghề và 51,9% các bãi rác tập trung vẫn đang trong quá trình triển khai xử lý ô nhiễm môi trường...
Tại hội nghị, đại diện nhiều bộ, ngành và địa phương cho rằng, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, các địa phương nỗ lực trong việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng tiến độ thực hiện còn khá chậm. Bên cạnh việc xử lý triệt để 439 cơ sở nói trên, Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ còn đề ra mục tiêu đến năm 2012 xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại hơn 3.850 cơ sở khác.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, đảm bảo môi trường sống an toàn cho người dân. Để đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Bộ TNMT cần phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách, chế tài xử lý; tìm kiếm và chuyển giao công nghệ tiên tiến; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử phạt; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn vốn từ bên ngoài, lồng nghép với vốn hỗ trợ cho công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...n
Phương Đông