Ngồi ăn cùng người yêu trong quán bún vịt, Mai tủm tỉm bẽn lẽn cho miếng thịt vào miệng nhai rồi nuốt. Khổ nỗi mảnh xương giở chứng mắc vào cổ, cô phải lẳng lặng vào nhà vệ sinh khạc lấy khạc để nhưng vẫn không được.
Cảm giác nghẹn ở cổ được cô nàng im ỉm mang theo cả buổi đi dạo phố rồi xem phim với người yêu. Đến khi về nhà, không chịu được cảm giác đau đớn mỗi khi nuốt nước bọt, Mai tìm đủ cách từ móc họng để ói, cho đến nuốt cơm nguội để xương trôi xuống. Tuy nhiên miếng xương vẫn lì lợm.
Một mảnh xương dài trong thực quản bệnh nhân được nhìn thấy qua hình ảnh. Ảnh: Thiên Chương |
Sau gần một ngày vật vã cùng chướng ngại vật trong cổ, hết chịu nổi, dẹp luôn thẹn thùng, cô nhân viên 26 tuổi thổ lộ cùng bạn trai rồi cả hai đưa nhau đến bệnh viện. Song bác sĩ thăm khám lại bảo "không thấy gì bên trong" và khuyên cô gái về nhà tiếp tục theo dõi nếu không muốn "làm liều" để các bác sĩ mổ gắp xương.
"Tôi ức lắm vì bản thân cảm nhận được rất rõ mình hóc xương. Lúc đó tôi ăn miếng thịt vịt có cái xương nhỏ, thấy lấy xương ra trước mặt bạn trai thì bất tiện; nhưng vừa nuốt vào đã đau điếng", Mai nói.
Chịu đựng thêm hơn nửa ngày sau khi từ bệnh viện trở về, thử mọi biện pháp, may thay trong một lần cố gắng, Mai cảm nhận "cục nghẹn" trôi xuống nhưng cảm giác đau rát thì vẫn còn.
"Tôi sợ lắm vì thi thoảng tôi lại khạc ra máu, đến bệnh viện khám một lần nữa thì bác sĩ vẫn bảo không sao. Phải đến ngày thứ 3 sau tai nạn, cổ tôi mới bình thường trở lại. Chuyện nhỏ xíu nhưng suýt khiến tôi phải nằm viện. Từ nay chắc không còn dám nuốt bừa", Mai tâm sự.
Các bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết, trường hợp của Mai không phải hiếm. Tai nạn hóc xương tưởng chỉ ra ở trẻ con, song mỗi tháng vẫn có hàng chục người lớn phải đến bệnh viện cầu cứu.
Từ quê lên thăm người bà con ở Sài Gòn, vừa nghe chủ nhà bảo sẽ đãi món cá kèo nướng muối ớt, Dũng đã bảo ngay có thể nhai nuốt cả xương món ăn mà anh vốn yêu thích. Nói sao làm vậy, khi thức ăn đã bày lên bàn, cậu thanh niên quê ở Núi Tượng, Tân Phú, Đồng Nai, trổ tài nhai nuốt. Tuy nhiên bữa ăn chưa tàn, Dũng lao vào nhà vệ sinh móc miệng ho sặc.
Nửa tháng sau Dũng nhập viện vì không thể chịu nổi cái đầu cá kèo cùng một đoạn xương dính sâu vào cổ họng. "Quê chết đi được, tôi không dám kể với ai vì sợ bị chê cười. Khó chịu quá không chịu được, tôi lên Sài Gòn khám nhưng không dám ghé nhà anh chị vì sợ bị chê cười. Không ngờ chỉ mắc cái xương trong cổ mà phải mất hết bạc triệu để lấy ra", Dũng nói.
Cũng đến khám vì mắc xương tại khoa cấp cứu Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM đầu tháng 4, Thắng - một thanh cao to lại ôm lấy cổ rên ư ử. Bên cạnh anh, người bạn gái vừa cười tủm tỉm miệng trấn an và trách yêu: "Cố đi anh, các bác sĩ sẽ giúp anh được mà. Ai bảo anh cứ khăng khăng rằng 'người yêu của em mà ăn gà thì đến chó cũng phải ganh tỵ vì anh sẽ nhai hết không còn miếng xương nào cho nó'".
Ngượng ngùng, chàng trai phát cáu nhưng cuối cùng cũng phải ngoan ngoãn vào phòng để các bác sĩ mổ lấy một mảnh xương chân gà rõ to.
Căn cứ vào thực tế chữa trị, các bác sĩ cho biết, người lớn vẫn bị hóc xương thường do ăn quá vội; chủ quan có thể nuốt trót lọt hoặc vì ngại lừa xương mà nuốt bừa.
"Những trường hợp nhập viện sớm là rất hiếm. Thông thường người lớn khi mắc xương thường chủ quan hoặc không dám nói ra vì sợ trêu 'già đầu mà ăn uống sao để hóc xương' nên cứ tự mình xử trí. Không ít người vì thế mà bị nhiễm trùng chỗ hóc, thậm chí còn suy hô hấp vì nhiễm trùng huyết", một bác sĩ nói.
Các bác sĩ khuyên nạn nhân không nên chủ quan hoặc vì sợ bị trêu đùa mà cố tự chữa trị, bởi nếu nhập viện muộn sẽ khó điều trị hoặc dễ gây biến chứng sưng viêm, nhiễm trùng. Chẩn đoán hóc xương qua hình ảnh thường dễ nhận ra hơn thông ống vào cổ họng và soi đèn thông thường. Chính vì thế, nếu không được chẩn đoán mắc xương mà cứ có cảm giác nghẹn và đau thì bệnh nhân nên tìm đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám.